PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo, những người cao tuổi, trẻ em và người phải làm việc trong điều kiện ngoài trời khi nắng nóng cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe. Bởi lẽ, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi rất dễ bị đột quỵ. Trong khi đó với trẻ nhỏ, sức đề kháng không tốt, dễ bị tác động bởi nắng nóng nên dễ bị say nắng, sốc nhiệt, sốt cao, viêm đường hô hấp. Đối với nhiều người lao động phải làm việc ngoài trời, trong điều kiện nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể có thể khiến họ bị sốc nhiệt, hôn mê.
Để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật trong những ngày cao điểm nắng nóng, Bộ Y tế và các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng cao điểm (từ 12 đến 16 giờ hàng ngày) nếu không có việc cần thiết. Khi phải ra ngoài trời nắng nóng, cần có phương tiện dụng cụ để tránh tác động của nhiệt và tia tử ngoại. Nếu phải làm việc ngoài trời, mỗi người cần phải tự tạo điều kiện bảo hộ tốt, có yêu cầu kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, chủ động sắp xếp công việc cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Cùng với đó, trong những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nếu mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh. Cùng với đó là không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…