Tránh quy định “cứng nhắc”, hạn chế sự phát triển của một số ngành giàu tiềm năng

Phát biểu về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra lưu ý thêm về một số quy định “cứng nhắc”, ảnh hưởng tới sự phát triển của một số ngành giàu tiềm năng trong lĩnh vực này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 14-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Báo cáo tại phiên họp về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đã có 11 lượt đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu ý kiến và 1 ĐB gửi ý kiến bằng văn bản.

Trên cơ sở ý kiến của ĐB, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT (cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, rà soát tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Cụ thể, khoản 3 Điều 29 được chỉnh lý theo hướng làm rõ nghĩa vụ thực hiện công bố về sự phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ áp dụng đối với các trung tâm dữ liệu sử dụng để kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây cho công cộng; đồng thời, khoản 4 Điều 29 chỉ điều chỉnh đối với việc sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các trung tâm dữ liệu phục vụ cho hoạt động quốc phòng, an ninh, trong đó có cơ yếu, không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định này.

Về điều khoản thi hành, có ý kiến đề nghị rà soát quy định hiệu lực thi hành đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) cho phù hợp với thực tế và các quy định về dịch vụ này tại dự thảo Luật.

Về ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa quy định thủ tục cấp đổi giấy phép, đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo luật theo hướng không yêu cầu cấp đổi giấy phép.

Điều này nghĩa là các tổ chức, doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng giấy phép viễn thông đã được cấp theo Luật Viễn thông năm 2009. Trường hợp doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có thời hạn ngắn hơn thời hạn của giấy phép thiết lập mạng viễn thông đã được cấp thì giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông được kéo dài thời hạn bằng thời hạn của giấy phép thiết lập mạng.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn. Ảnh: VIẾT CHUNG

Được mời tham gia ý kiến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn ghi nhận dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, bày tỏ sự đồng thuận với nhiều quy định trong dự thảo luật cũng như cách tiếp cận với những vấn đề mới như internet vệ tinh, OTT…

Tuy nhiên, đại diện VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra lưu ý thêm về một số quy định “cứng nhắc”, ảnh hưởng tới sự phát triển của một số ngành giàu tiềm năng trong lĩnh vực này.

“Điều 29 trong dự thảo luật quy định nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ, trung tâm dữ liệu, có tham chiếu tới những điều khác quy định về dịch vụ viễn thông truyền thống, gồm cả những quy định về đăng ký hợp đồng mẫu, quản lý giá cước dịch vụ, quá cứng nhắc”, ông Tuấn phát biểu.

Bên cạnh đó, điều 59 của dự thảo luật yêu cầu trình Bộ TT-TT phương án giá cước, việc xác định giá thành theo quy định, báo cáo kiểm toán phục vụ hoạt động quản lý giá cước viễn thông… Quy định này, theo ông Tuấn, không phù hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, do bản chất dịch vụ này thường cung cấp tới các doanh nghiệp chứ không phải người tiêu dùng phổ thông như viễn thông truyền thống.

Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định: “Quy định như vậy đã can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh, cung cấp dịch vụ, làm tăng chi phí, thời gian triển khai dịch vụ”.

Tin cùng chuyên mục