Tránh nhập nhèm khoản thu - chi đầu năm học

Sau buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học 2024-2025, chuyện thu - chi lại “nóng” trên các diễn đàn, mạng xã hội. Mặc dù cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng tình trạng “lạm thu” vẫn xảy ra ở nhiều hình thức.

Lạm dụng xã hội hóa

Bảng thống kê thu, chi từ đầu năm học 2024-2025 của một lớp 6 tại Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) khiến nhiều người giật mình bởi độ “khủng” của số tiền phụ huynh bỏ ra để mua sắm vật dụng phục vụ việc giảng dạy của giáo viên.

Theo đó, toàn bộ chi phí mua máy lạnh, kệ dép, máy chiếu, khăn trải bàn, bóng đèn, tủ đựng tài liệu, ghế ngồi và micro cho giáo viên đã “ngốn” của phụ huynh 65 triệu đồng.

G4d.jpg
Học sinh lớp 4/3, Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM) trở lại học tập bình thường sau khi thay đổi giáo viên phụ trách. Ảnh: THU TÂM

Ngoài các nội dung chi mua sắm thiết bị, vật dụng cho lớp học, đầu năm học này, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM cũng triển khai nhiều khoản thu theo hình thức xã hội hóa để sửa chữa mái che sân trường, trang bị hệ thống âm thanh, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường…

Dù mang danh nghĩa tham gia trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng nhưng khi triển khai xuống các lớp, phụ huynh vẫn bị “đổ đồng”, ai không đóng bị xem là cá biệt, không ủng hộ hoạt động của trường, lớp.

Trước đó, theo khẳng định của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, năm học 2024-2025, trường học không thu “quỹ trường”, “quỹ lớp” mà chỉ thu “kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh” theo quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT. Trong đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) chỉ phục vụ cho các hoạt động của BĐDCMHS, do BĐDCMHS quản lý và sử dụng, nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa hoạt động của BĐDCMHS để thu các khoản thu ngoài quy định.

Tuy nhiên, tại nhiều trường đang có sự nhập nhèm giữa việc thực hiện Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT (kinh phí hoạt động của BĐDCMHS) và việc vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng được quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Điều này dẫn đến các khoản thu xã hội hóa được hiểu là khoản thu bắt buộc, tăng thêm gánh nặng chi phí cho phụ huynh vào đầu năm học.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Sau sự việc cô giáo “xin tiền phụ huynh mua laptop” xảy ra tại Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TPHCM), UBND quận 1 đã giao Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng GD-ĐT phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch kiểm tra công tác thu, chi đầu năm học của tất cả trường học trên địa bàn.

UBND quận 10 mới đây cũng đã yêu cầu Phòng GD-ĐT quận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu để xảy ra sai phạm.

Đầu tháng 10-2024, hai trường THPT ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định phải tháo 7 tivi, trả lại tiền xây nhà xe cho phụ huynh vì vận động sai nguyên tắc.

Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định yêu cầu các trường không thu học phí trong tháng 9, giãn thời gian thực hiện các khoản thu vào các tháng cuối năm để giảm bớt khó khăn cho người dân do phải chi nhiều khoản mua sắm quần áo, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… vào đầu năm học mới.

Tương tự, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức vừa có văn bản chấn chỉnh công tác thu, chi, quản lý tài sản tại các trường học trên địa bàn. Theo đó, Phòng GD-ĐT có trách nhiệm quán triệt, yêu cầu các trường học nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác thu, chi tài chính, mua sắm và sử dụng tài sản công; nếu phát hiện đơn vị sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

UBND huyện Củ Chi yêu cầu các trường công lập rà soát, khẩn trương xử lý, thu hồi các khoản tạm ứng ngoài sổ sách, đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các khoản chi chưa đúng quy định.

Sau khi xảy ra hàng loạt vụ thu, chi không đúng quy định tại các trường học, nhiều ý kiến đề nghị giải tán BĐDCMHS trong trường học. Trước đề xuất này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, hoạt động của BĐDCMHS là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh. Việc các trường học cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT để mỗi phụ huynh học sinh hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó phát huy được vai trò và nhiệm vụ của mình.

Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, BĐDCMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp hoạt động của BĐDCMHS gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tin cùng chuyên mục