Câu chuyện không phải là mới, nhưng thời gian gần đây, điều khiến họa sĩ và người yêu nghệ thuật thêm phần bức xúc là việc vi phạm bản quyền tác phẩm hội họa xảy ra hàng loạt, xu hướng ngày càng tinh vi và ngang nhiên.
Chưa có tín hiệu dừng lại
Ngày 25-12, họa sĩ Hà Hùng Dũng bức xúc lên tiếng kêu cứu vì các tác phẩm của anh bị xâm phạm bản quyền trắng trợn. Theo anh Hà Hùng Dũng, một cơ sở có tên là Áo dài Hoàng (địa chỉ tại ngõ 33 Hàng Bún, Hà Nội) đã ngang nhiên lấy rất nhiều tranh sáng tác của anh vẽ lại lên áo dài, bán công khai trên thị trường Hà Nội từ khá lâu nay. Trang mạng xã hội của Áo dài Hoàng đăng hình ảnh người mẫu trong trang phục áo dài có in tranh của Hà Hùng Dũng, quảng cáo và rao bán công khai mà tác giả không hề hay biết.
Không riêng Hà Hùng Dũng, họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng là một nạn nhân của nạn nhái tranh, chép tranh. Ngày 11-12, qua thông tin của những người bạn, họa sĩ Bùi Trọng Dư phát hiện các tác phẩm sơn mài của anh bị sao chép thành tranh tường khổ lớn để trang trí tại Thừa Thiên - Huế, được đưa lên giới thiệu bởi tài khoản cá nhân là Thong le Dang. Người này tự giới thiệu từng học và làm việc tại Đại học Nghệ thuật Huế. Sau khi liên lạc, gần 3 giờ sau, chủ tài khoản Thong le Dang đã công khai trên Facebook, lên tiếng xin lỗi họa sĩ. Trao đổi với phóng viên, Bùi Trọng Dư thở dài: “Đó là lý do chung để các cơ sở, đơn vị đưa ra biện hộ khi bị phát hiện vi phạm bản quyền tác phẩm hội họa”.
Câu chuyện nhức nhối của thị trường mỹ thuật dường như vẫn đang kéo dài và chưa có tín hiệu dừng lại. Bằng chứng cụ thể là danh sách nạn nhân các vụ vi phạm bản quyền ngày càng dài ra. Tình cờ, một ngày đầu tháng 12, họa sĩ Đinh Ngọc Thắng tá hỏa phát hiện 9 bức tranh của mình bị người khác vi phạm bản quyền, ngang nhiên đưa lên mạng xã hội rao bán. Liên lạc với cơ sở kinh doanh Tranh đẹp Sắc màu ở đường Trần Phú, phường 4, quận 5, TPHCM, người quản lý phòng tranh cho biết sẽ kiểm tra lại hệ thống xem có đang thực sự treo tranh của họa sĩ Đinh Ngọc Thắng hay không.
“Nếu có trên trang web hoặc Facebook thì chúng tôi sẽ hạ xuống, vì chỉ là treo hình ảnh thế thôi, chứ không có tranh thật”, cô này nói. Đinh Ngọc Thắng cho biết, anh chưa từng làm việc với cơ sở này, 9 bức tranh nói trên, anh đã bán cho một gallery tại Hà Nội từ lâu và hiện vẫn còn lưu giữ đầy đủ hồ sơ tác phẩm. Từ vẻ đẹp mộng mơ của các thiếu nữ trong tranh, nhiều phòng tranh đã vô tư lấy, chép lại để quảng bá, kèm theo chiêu câu khách “tranh được cung cấp từ họa sĩ”.
Tự bảo vệ mình
Cuối tháng 11, trên trang cá nhân của mình, họa sĩ Phạm Ánh tố phòng tranh Tranh đẹp Phương Nam ở đường Trần Phú, quận 5, TPHCM đã lấy tranh trên Facebook cá nhân của anh, ghép phối cảnh rồi quảng cáo bán công khai trên mạng. Phạm Ánh cho biết, tất cả những tác phẩm này của anh đã có chủ và anh không quên khuyến cáo những người sưu tập tranh nên cẩn trọng khi chọn mua tác phẩm trên mạng.
Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn, hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM, cũng lên tiếng khẳng định trên trang cá nhân: “4 đơn vị gallery có tên Hoàng Khang, Huy Quan, Shin, Mỹ Thuật 360, là những nơi tôi không có tranh và cũng chưa bao giờ làm việc, đã đưa hình tranh của tôi lên và quảng cáo để sao chép bán lại cho khách. Đây là một hành động vi phạm bản quyền và giả mạo”.
Ngày 3-5, nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” do họa sĩ Bùi Trọng Dư sáng lập, chính thức ra mắt. Sự việc bắt đầu sau khi anh phát hiện nhiều công ty áo dài đã đạo, nhái trái phép nhiều tác phẩm của mình và 8 họa sĩ khác lên áo dài để kinh doanh. Những “nạn nhân” khác là các họa sĩ: Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền (cùng ở Hà Nội); Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc, Nguyễn Quý Tâm (cùng ở Huế), Phan Linh Bảo Hạnh (Huế, hiện sống tại Bình Dương) và Đặng Can.
Sự nỗ lực đấu tranh của 9 họa sĩ cùng sự đồng hành của luật sư và truyền thông đã khiến các đơn vị áo dài phải xin lỗi, nhận sai phạm, xóa bỏ những mẫu áo dài sử dụng trái phép bản quyền tranh của các họa sĩ… Tuy nhiên cho đến nay, sau rất nhiều vụ xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa, ngoài những câu xin lỗi suông, họa sĩ vẫn phải chịu thiệt thòi và chưa có sự bảo vệ, ít nhất là một hành lang pháp lý vững chắc.
Vì một nền mỹ thuật Việt Nam thực sự phát triển và lành mạnh, việc xóa bỏ thói quen “xài chùa”, ăn cắp chất xám, xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa là hành động vô cùng cần thiết. Điều này phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và các điều khoản bảo vệ bản quyền tác giả theo Công ước Berne mà Việt Nam là một thành viên từ năm 2004. Tuy nhiên, trên thực tế việc này lại không hề đơn giản.