Đánh giá về dự thảo luật, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là cuộc cách mạng từ trước tới nay, thay đổi toàn diện hệ thống tổ chức của Bộ Công an. Bộ Công an từ Bộ với 6 tổng cục, 126 cục, giờ không còn tổng cục, bỏ cấp trung gian, 126 cục nhập lại còn 60 cục. Trong khi chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an không hề thay đổi, biên chế không đội lên, tất cả chế độ chính sách vẫn giữ nguyên. “Ở đây chỉ tổ chức lại lực lượng cho tinh gọn, đúng với thực tiễn yêu cầu chiến đấu của lực lượng công an trong giai đoạn mới. Đây là bước tiến mới, Bộ Công an tiên phong đầu tiên”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu đánh giá.
Về vấn đề chính quy công an xã, thị trấn, đa phần ĐB đồng tình. ĐB Ngô Minh Châu (TPHCM), ĐB Phan Thanh Bình (TPHCM) và nhiều ĐB đồng tình chính quy hóa lực lượng công an xã/thị trấn, thực hiện đúng như mô hình của Bộ Công an xác định trong thời gian gần đây “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Về phong hàm đối với giám đốc công an tỉnh, hiện còn nhiều ý kiến các nhau. ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên), Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đề nghị giữ trần quân hàm giám đốc công an cấp tỉnh như hiện nay là đại tá. Nếu phong tướng như dự thảo, thì để tương đương giữa hai bên quân đội và công an, cứ 1 tướng công an sẽ thêm hai tướng quân đội nữa, liệu ngân sách có chịu nổi không? “Mà chỉ công an phong tướng thì không ổn. Cá nhân tôi là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tôi nghĩ phong tướng như thế là nhiều quá”- ĐB Phan Anh Khoa nói.
Về trần quân hàm, ĐB Hoàng Văn Trà Trà (Phú Yên) đề nghị quy định cụ thể trong luật những địa phương mà giám đốc công an cấp tỉnh là thiếu tướng. “Quy định như trong dự thảo Luật là quá mờ, nên nói rõ tiêu chí về quy mô dân số, vị trí chiến lược về an ninh, trật tự; thực tế tình hình an ninh, trật tự ở địa phương để tránh sự áp dụng tùy tiện. Nhưng cũng phải tính kỹ để tránh việc cán bộ bị “hút” về những địa phương có trần quân hàm cấp tướng”.
Giải thích các băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật CAND không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tổ chức lại bộ máy của lực lượng công an và sửa đổi chế độ chính sách để lực lượng công an các cấp có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề hiện nay. Vừa qua Nghị quyết Trung ương nêu rõ, là sự chuyển biến quan trọng trong bộ máy tổ chức của lực lượng công an. “Khẩu hiệu của chúng tôi là “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, bám cơ sở tức là bám vào dân” – Bộ trưởng Tô Lâm lý giải. Theo đó, chuyển biến lớn nhất là bố trí công an cấp xã chính quy.
Đối với quy định cấp bậc hàm cấp tướng, Bộ trưởng khẳng định dự thảo Luật cũng không làm thay đổi cơ cấu: “Nhiều ý kiến nói sao mà tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong CAND là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá”- Bộ trưởng giải thích.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, phong hàm phải đủ tiêu chuẩn, ví dụ đối với bộ trưởng phải lên thượng tướng 4 năm rồi mới được đại tướng. 6 thứ trưởng là 6 thượng tướng, điều này ghi rõ trong luật. Nhưng không phải cứ thứ trưởng là lên thượng tướng, hiện nay có đồng chí thứ trưởng là trung tướng vì chưa đủ tiêu chuẩn” – Bộ trưởng giải thích thêm.
Những cục đặc biệt mà gộp 5-6 cục thì cục trưởng phải được trung tướng. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 cục, nếu bố trí tất cả cục trưởng và giám đốc công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng thì tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200. Còn nếu đề nghị giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I mang cấp bậc hàm cấp tướng thì cũng chỉ hơn chục người.
“Nếu giám đốc công an tỉnh chỉ đại tá mà được quy hoạch thứ trưởng thì không thể lên thượng tướng, vì phải mất mười mấy năm”, Bộ trưởng giải thích.
Theo ông, nếu đúng như đề xuất của Bộ Công an thì thuận lợi, còn nếu không sẽ rất bất cập, rất khó trong luân chuyển cán bộ.
“Số giám đốc địa phương rất vất vả, chúng tôi muốn cơ cấu nhiệm vụ anh em tăng, tỉnh mạnh thì chính sách cũng phải phù hợp” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.