Chiều 13-9, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt thừa uỷ quyền Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại phiên họp của UBTVQH. Đáng lưu ý, tờ trình nêu đề xuất phương án mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói rõ, mặc dù đa số thành viên Chính phủ thống nhất với phương án mới, song trong Chính phủ cũng còn có ý kiến khác. Cụ thể, phương án được đa số thành viên Chính phủ tán thành là việc xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.
Quan điểm này cho rằng quy định như trên vừa đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy định pháp luật, vừa không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các chủ thể có quyền SHTT. Trong khi đó, việc xử lý xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại, hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường phức tạp, đòi hỏi tập trung nhiều nguồn lực, thời gian để thu thập chứng cứ, xác minh hành vi xâm phạm, không phù hợp với nguyên tắc “tiến hành nhanh chóng” của việc xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, phương án này, theo tờ trình còn giúp giảm gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước và phù hợp với định hướng “tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về SHTT” đã được đề ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030...
Phương án 2 là giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lại cho rằng phương án 1 có một số điểm chưa hợp lý.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng để xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. Biện pháp này có phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
“Quy định như phương án 1 có nguy cơ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm vai trò chủ động của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để duy trì trật tự công; đây là việc làm thường xuyên, liên tục, không phụ thuộc vào việc khởi kiện của đương sự”.
Vẫn theo ông Hoàng Thanh Tùng, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng và toàn xã hội. Do đó, thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn...
Đó là chưa kể việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và sẽ tạo thách thức không nhỏ cho hệ thống tòa án và đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ quan điểm của cơ quan thẩm tra. Theo ông, thực tế không có gì vướng mắc trong thực hiện quy định hiện hành, nên cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng việc thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai (khai mạc vào tháng 10 tới đây). Hiện dự thảo vẫn nêu ra cả 2 phương án để Quốc hội xem xét quyết định.