Đề cập đến việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về “đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử” quy định tại khoản 1 điều 4 dự thảo, UBTVQH cho hay, nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Trong số này, có ý kiến đề nghị thí điểm về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành dự thảo Luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử và đề nghị quy định cụ thể các vấn đề liên quan, như: quan hệ giữa tòa án với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương...
Cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng, theo dự thảo, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án được dự kiến đổi mới không thay đổi. Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm một số vụ án, vụ việc.
Theo cơ quan thường trực của Quốc hội, quy định như dự thảo Luật chưa đáp ứng chủ trương của Nghị quyết 27 về “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử”; “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”; không thống nhất về tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương. Mặt khác, phải sửa đổi nhiều luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc này cũng đồng thời làm phát sinh nhiều chi phí khác như: sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ...
Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND Tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của Luật hiện hành); phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND Tối cao).
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, thống nhất với nội dung phân tích, đánh giá của UBTVQH và lựa chọn phương án 1, cụ thể là giữ nguyên tên gọi là TAND cấp tỉnh, cấp huyện, không đổi tên thành TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm.
Về phạm vi trách nhiệm của toà án trong thu thập chứng cứ (điều 15 dự thảo Luật), ĐB Nguyễn Thị Lệ nêu rõ: Tại Báo cáo 827, UBTVQH có nêu “tiếp thu ý kiến ĐBQH và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điều 15 dự thảo Luật theo hướng: quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, đồng thời rà soát, bố cục lại các khoản trong điều luật cho phù hợp hơn”. Tuy nhiên qua rà soát, điều 15 dự thảo có 7 khoản, chủ yếu quy định trách nhiệm của các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, hoặc trách nhiệm của Tòa án trong việc hướng dẫn, yêu cầu, hỗ trợ, tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ.
“Chưa có nội dung quy định trách nhiệm của tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ tài liệu như ý kiến tiếp thu của UBTVQH tại Báo cáo 827. Do đó, đề nghị, bổ sung nội dung của điều 15 liên quan đến trách nhiệm của Tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ tài liệu”, ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị.
Lựa chọn phương án 2, ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) nói: “Chúng ta thường cân nhắc về cái giá của sự thay đổi mà ít cân nhắc cái giá của việc không chịu thay đổi. Đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm là sự thay đổi về thể chế chứ không chỉ đơn thuần là đổi tên.