Ngày 26-2, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Sau khi ban hành ngày 17-10-2017, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đã nhận được những ý kiến phản hồi khác nhau từ phía các doanh nghiệp. Tới đầu năm 2018, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 03/2018 nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập (có hiệu lực từ ngày 1-3-2018). Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có ý kiến về thông tư này và VPCP đã nhận được thư, ý kiến của cơ quan đại sứ, các tổ chức gửi Thủ tướng, đề nghị chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét lại Nghị định 116.
Tại cuộc đối thoại ngày 26-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song Việt Nam cũng cần có bước đi của mình. Việt Nam tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, nhưng cũng cần bảo đảm nền sản xuất tự chủ. Việt Nam không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước nhưng cũng phải có quan tâm một mức độ nào đó.
Tại hội nghị, có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất của một số doanh nghiệp như Toyota, Ford, GM… bày tỏ quan ngại sâu sắc trước một số quy định hành chính trong Nghị định 116; cho rằng các quy định này không theo thông lệ quốc tế, làm gián đoạn và hầu như ngưng hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam. Theo các phản ánh của doanh nghiệp, có 3 vấn đề lớn liên quan tới Nghị định 116 và Thông tư 03 là quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài, quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu và quy định về đường thử đối với hoạt động sản xuất ô tô.
Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai đến từ đại diện các doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công với các ý kiến phản biện khi cho rằng giấy chứng nhận chất lượng là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Tương tự, nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Các doanh nghiệp ô tô trong nước cho rằng Nghị định 116 đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ô tô.
Chốt lại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị định 116 được xây dựng công phu, trước khi ban hành đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, các đối tượng tác động. Chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng.
Cùng với đó, Chính phủ cũng tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các rào cản, thủ tục bất hợp lý; đồng thời quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ… Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đặt vấn đề và nhấn mạnh yêu cầu phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh. Đồng thời đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế, nhưng cũng không đặt rào cản hành chính để tạo chi phí. Các bộ ngành sẽ tiếp thu nghiêm túc và đưa ra giải pháp sớm nhất. Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề, báo cáo Thủ tướng các giải pháp cụ thể.