Tranh luận về ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) ủng hộ biện pháp cắt điện, cắt nước, ví dụ xây dựng trái phép, nên sử dụng giải pháp này. “Chúng ta kiên trì để thiết lập ý thức của người dân, Singapore mất hơn 30 năm để người dân có ý thức tuân thủ nghiêm luật pháp"...
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại Tổ, ngày 10-6-2020. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại Tổ, ngày 10-6-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 10-6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đề nghị thêm hình thức xử phạt lao động công ích

Các ý kiến ĐBQH tranh luận sôi nổi về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đồng tình tăng mức xử phạt để bảo đảm sự răn đe, nhưng lại băn khoăn đâu là căn cứ để quyết định mức xử phạt tối đa ở các lĩnh vực? Ví dụ, mức xử phạt hành chính ở lĩnh vực thực phẩm chỉ tối đa 50 triệu đồng, trong khi ảnh hưởng sức khỏe là rất lớn. Do đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Luật không nên chia nhỏ các mức phạt, chỉ quy định mức tối đa và tối thiểu, còn các mức phạt cụ thể sẽ do địa phương quyết định.

Tranh luận về ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm ảnh 1 ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, xử phạt VPHC đừng quan điểm chỉ phạt tiền mà cần có thêm các giải pháp bổ sung như các nước đã làm, ví dụ lao động công ích; hay công khai danh tính các đơn vị, cá nhân bị xử phạt để  tăng tính răn đe.

“Xử tiền không phải là để thu cho ngân sách mà để răn đe, để người khác không dám vi phạm. Với nhiều người, nộp phạt hàng chục triệu đồng không có nghĩa lý gì, ví dụ các quý tử đua xe trái phép, do đó cần có giải pháp phạt bổ sung, đơn cử như lao động công ích”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị.

ĐB cũng cho rằng, để pháp luật nghiêm, phải có các chế tài xử phạt bổ sung, nhất là với những hành vi tái phạm. Như doanh nghiệp vi phạm, bị phạt tiền không sợ nhưng nếu luật có quy định phạt bổ sung đưa thông tin doanh nghiệp vi phạm lên báo chí, trang thông tin điện tử họ lại sợ. Cũng có những doanh nghiệp khi bị xử phạt rất chấp hành nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chây ì không chịu nộp phạt, khắc phục, nên cần quy định rõ việc cưỡng chế xử lý vi phạm đối với những đối tượng không thực hiện vi phạm. Song song đó, nên cập nhật lịch sử vi phạm của tổ chức, cá nhân vào dữ liệu điện tử quản lý cá nhân để sau này họ có thể bị hạn chế thực hiện các giao dịch liên quan. Ở nhiều quốc gia, người bị xử phạt vi phạm giao thông nhiều lần sẽ bị mua bảo hiểm với mức cao, hoặc chịu phí kiểm định cao...

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng trăn trở: Tại sao dân Việt Nam sang nước ngoài ý thức cao, còn về Việt Nam thì lại dễ dãi? Xử phạt phải có hiệu lực, nghiêm, không thì sẽ nhờn luật. Xử hành chính tiền là một chuyện nhưng quan trọng là phải làm cho họ sợ để không tái phạm, một người đi ô tô đắt tiền phạt mấy triệu đồng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nếu bắt đi lao động công ích mấy ngày sẽ ngại, sẽ sợ. Do đó, phạt là để họ sợ, phạt phải có hiệu lực, có cưỡng chế.

Tranh luận về ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

“Tại sao đi du lịch nước ngoài, dân ta rất sợ phạt, chấp hành rất nghiêm, nhưng khi về nước thì hành vi lại thay đổi. Chế tài phạt nặng là để điều chỉnh hành vi, nếu luật không hướng đến cái đó thì bao nhiêu luật ra cũng không nghiêm được”, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM) nêu quan điểm.

Đơn cử như xử lý sim rác, đến nay vẫn không xử lý được, bất cứ ai cũng bị quấy rối, kể cả lúc nửa đêm vẫn bị nhắn tin quảng cáo. Rồi hành vi phóng uế nơi công cộng, vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. Do đó, xử phạt VPHC phải hướng đến mục tiêu để ngăn chặn được hành vi sai phạm, không để người dân có tâm lý xử phạt như phủi bụi. Có những doanh nghiệp đưa ra biên bản xử phạt dày như "cuốn tập" nhưng không cưỡng chế xử phạt được.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) chỉ ra thực tế có những doanh nghiệp nếu đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn kém hàng chục tỷ đồng, nhưng nếu bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng/vụ, nên họ sẵn sàng chọn bị phạt hơn là đầu tư. Trong khi ở nhiều nước, mức tiền phạt rất nặng, có thể ngang bằng với số tiền đầu tư hệ thống xử lý nước thải; thậm chí có doanh nghiệp bị phạt đến phá sản, phải ghi nợ. Xử phạt phải làm sao buộc doanh nghiệp vi phạm mất trắng nếu không đầu tư bài bản ngay từ đầu.
ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TPHCM) cũng đồng tình cho rằng, xử phạt VPHC hiện nay chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc người vi phạm sẵn sàng nộp phạt để tồn tại, do đó đồng ý phải bổ sung các giải pháp xử phạt bổ sung.

Cắt điện, cắt nước: Cưỡng chế hay ngăn chặn?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC bổ sung biện pháp cưỡng chế mới là "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ". Các đại biểu tranh luận nhiều về nội dung này.

Đồng tình với nội dung này nhưng ĐB Trịnh Ngọc Thúy cũng cho rằng, phải tính đến mối quan hệ nhân quả của việc này, ví dụ khi cúp điện nước thì ảnh hưởng ra sao đến những người liên quan đến cá nhân vi phạm, ví dụ con em họ...

Tranh luận về ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm ảnh 3 ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng coi đây là biện pháp cưỡng chế hành chính là chưa đúng. Cưỡng chế nhằm bắt buộc người vi phạm thực hiện quyết định xử phạt. Cái bị cưỡng chế phải là của người vi phạm, trong khi điện, nước là một mặt hàng dịch vụ của Nhà nước. "Chỉ nên quy định cắt điện, nước là một biện pháp ngăn chặn thì hợp lý hơn", ĐB Dương Ngọc Hải nói.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TPHCM) cũng băn khoăn: Nên coi cắt điện cắt nước là giải pháp ngăn chặn hay là chế tài cưỡng chế? ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đồng tình xử phạt VPHC không phải để thu ngân sách mà để điều chỉnh hành vi, nâng nhận thức của người dân, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng ủng hộ biện pháp cắt điện, cắt nước, ví dụ xây dựng trái phép, nên sử dụng giải pháp này. Đây là giải pháp vừa có thể ngăn chặn, vừa có thể cưỡng chế. Nhưng người có thẩm quyền xử phạt cần linh hoạt, cân nhắc các trường hợp, hoàn cảnh cụ thể, ví dụ một gia đình đông người thì không nên cắt.

“Chúng ta kiên trì để thiết lập ý thức của người dân, Singapore mất hơn 30 năm để người dân có ý thức tuân thủ nghiêm luật pháp”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Tin cùng chuyên mục