Mở đầu phiên thảo luận sáng 4-11, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước: điểm tốt về sự nổ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành hoạt động; về sự đồng hành, chia sẻ, cứu trợ người dân trong phòng chống đại dịch, thiên tai. Từ chủ trương của Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy trong dân sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng, ứng biến vững vàng trước những tác động tiêu cực.
Bên cạnh điểm sáng ấy, ĐB Phạm Thị Minh Hiền mong Chính phủ thay đổi một thói quen trong các báo cáo hàng năm mà nếu không nhận ra, rất có thể sẽ tạo thành căn bệnh đùn đẩy, né tránh trong việc làm rõ, xử lý trách nhiệm. Đó là việc đánh giá quá chung chung những tồn tại, hạn chế mà lại không chỉ mặt, đặt tên, gắn địa chỉ cụ thể ở từng nội dung, lĩnh vực yếu kém. Chính phủ nói “một số địa phương, cơ quan, đơn vị”, Chính phủ nêu “có lúc có nơi”, Chính phủ nhìn nhận “vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm”... thì chắc chắn không chỉ là một số, mà phần lớn các bộ ngành, địa phương sẽ nghĩ “Chính phủ nói ai thôi, không phải nói mình đâu”.
Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ở từng nội dung, lĩnh vực vì thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót, gây tốn kém nguồn lực thì càng cần phải được quan tâm, xử lý với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt gấp đôi, gấp ba.
Đi sâu vào vụ việc sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt 1 vừa qua, ĐB Hiền cho rằng, không phải tự nhiên mà phần lớn dư luận xã hội bức xúc và giận dữ khi nhắc về các bộ SGK lớp 1. Là năm đầu tiên áp dụng một chương trình nhiều bộ sách theo hình thức xã hội hóa, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn, chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta học tập tham khảo rất nhiều nước và áp dụng mỗi nơi một ít vào chương trình giáo dục đổi mới, và vì vậy, SGK khi biên soạn cũng bị gọt đẽo theo một hệ thống không hoàn thiện. “Muốn biên soạn bộ hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu”, ĐB nói. Theo ĐB, lỗi trong SGK thì chỉ có sai hoặc đúng, chứ không có lỗi “chưa phù hợp”... Điều đó càng bộc lộ rõ hơn về một quy trình, thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng.
Cũng theo ĐB, học tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, bài học đầu đời không thể khiến trẻ sợ học. “Hội đồng thẩm định quốc gia mà lại thẩm định ra một cuốn sách còn nhiều hạt sạn, cho phép giáo viên thay thế các ngữ liệu phù hợp, vậy trình độ của giáo viên còn hơn cả các thành viên Hội đồng có học hàm học vị?”, ĐB nêu câu hỏi. Theo ĐB, SGK là nền tảng xây dựng tri thức, không nên xem là tài liệu thể hiện chương trình giáo dục như cách chúng ta đang làm. “Giá trị một bộ SGK khác hoàn toàn với một sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu chấp nhận các bộ sách như một lốp xe đầy những mảnh chắp vá để tiếp tục vận hành, thì tôi cho đó một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại, là sự xem nhẹ giá trị nhân văn; sự trong sáng của tiếng Việt rất cần được truyền dạy một cách thấu hiểu, cẩn trọng, tận tâm và tận tụy đối với từng đứa trẻ vừa bước qua tuổi mầm non”, ĐB Phạm Thị Minh Hiền thẳng thắn nói.
Từ đó, ĐB kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan cần phải có trách nhiệm trong việc bày tỏ thái độ, quan điểm đúng đắn, đứng về phía quyền lợi của người học, nhất là với trẻ em, đảm bảo rằng các quyền của trẻ em thông qua giảng dạy văn hóa cần phải được bảo vệ và thực thi nghiêm túc. Không trút thêm gánh nặng, áp lực cho đội ngũ giáo viên, bởi chính họ cũng cần được bảo vệ trong sự cố này. Các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ.
ĐB cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm trong sự cố về SGK lớp 1. Đặc biệt, lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh ở từng cấp, từng bộ phận. Không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm, khiến người dân mất niềm tin.
Không chỉ ĐB Phạm Thị Minh Hiền, sáng 4-11, tiếp tục có nhiều ĐB quan tâm, phát biểu về vấn đề SGK lớp 1. ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình), ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình)… tranh luận về vấn đề này.
Cũng phát biểu về vấn đề này, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hơn 20 năm làm ĐBQH chuyên trách, mới sang cơ quan Chính phủ không lâu, rất chia sẻ với lo toan chính đáng của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) và cử tri cả nước. Tuy nhiên, ĐB Ngô Thị Minh cho rằng, lần này chương trình giáo dục phổ thông mới có thay đổi lớn: phải chuyển hướng rất mạnh từ truyền thụ kiến thức một chiều cho học sinh sang phát triển năng lực, phẩm chất người học; chương trình là khung, SGK là tài liệu để dạy, không phải là pháp lệnh, SGK được xây dựng theo các chủ đề để dạy.
Cho rằng, việc triển khai SGK lớp 1 mới diễn ra trong bối cảnh có dịch Covid-19, sự chuẩn bị cho cả giáo viên và học sinh đều chịu thiệt thòi so với hoàn cảnh bình thường, ĐB Ngô Thị Minh cho rằng, việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông là vấn đề lớn và rất khó. Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định đã tiếp thu ý kiến cử tri, giải trình trước Quốc hội. Không phủ nhận những “hạt sạn” vừa qua của SGK lớp 1, nhưng ĐB Ngô Thị Minh cho rằng, sự đổi mới ban đầu sẽ có khó khăn, ngành giáo dục sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, đồng thời mong có sự chia sẻ của toàn xã hội.