Quốc hội Indonesia hiện đang cân nhắc sửa đổi Bộ luật Hình sự, được mô phỏng theo bộ luật được chính quyền thực dân Hà Lan sử dụng từ năm 1872, nhiều thập niên trước khi Indonesia giành được độc lập vào năm 1945.
Các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội gọi luật này là lỗi thời và không hiệu quả. Dự luật sửa đổi hình phạt cho tình trạng vô gia cư hiện đang được tranh luận tại Ủy ban pháp lý của Quốc hội Indonesia. Các nhà lập pháp vẫn chọn giữ lại điều khoản chống lại người vô gia cư nhưng đề xuất giảm mức phạt tối đa với một người là 1 triệu rupiah (70 USD). Các tổ chức phi chính phủ cho rằng, việc trừng phạt người dân vì không có nơi nào sinh sống sẽ không bao giờ giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Theo điều tra dân số năm 2010, có khoảng 3 triệu người vô gia cư ở Indonesia và 25 triệu người khác sống trong các khu nhà lụp xụp bất hợp pháp.
Nếu dự luật được ủy ban nói trên phê duyệt, 560 nghị sĩ sẽ bỏ phiếu thông qua trong phiên họp toàn thể, bắt đầu vào ngày 23-9. Ông Nasir Djamil, nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Công lý thịnh vượng (PKS), nhấn mạnh, cần phải xem tình trạng vô gia cư như một hành vi phạm tội, vì thực tế một số người đã xem ăn xin là nghề nghiệp. Nếu đưa vấn đề này ra khỏi Bộ luật Hình sự, tình trạng vô gia cư sẽ là hợp pháp và những người vô gia cư sẽ không có động lực để tìm kiếm việc làm hoặc nơi cư trú. Nhưng nhiều nghị sĩ khác lại cho rằng không nên coi vô gia cư là phạm tội. Người nghèo không nên bị trừng phạt vì thất bại của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Thay vào đó, chính phủ nên làm nhà ở có giá cả phải chăng và tạo thêm việc làm.