Cuối ngày 5-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung đã hoàn tất phần trả lời chất vấn của mình. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH“nóng” về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, cung - cầu lao động có vấn đề..
Các ĐBQH cũng đã “chấm điểm” Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH về phần trả lời chất vấn này.
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM): Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em được quan tâm
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH trả lời hết trách nhiệm đối với những vấn đề mà ĐB đặt ra. Những gì còn hạn chế, bất cập về quản lý nhà nước trong lĩnh vực Bộ LĐ-TB và XH thì Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và có hứa, đề ra giải pháp cho thời gian tới với tinh thần cầu thị. Với những nội dung còn hạn chế, Bộ trưởng hứa ngay trong tháng 7 sẽ tổ chức nghiên cứu, thực hiện và đề xuất chính sách; cái gì đã làm nhưng cần điều chỉnh tốt hơn thì Bộ trưởng cũng đã trả lời rõ. ĐBQH và cử tri đánh giá cao tinh thần này của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH.
Nếu nói trả lời chất vấn là để làm rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập thì Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thể hiện được cơ bản những yêu cầu đối với chất vấn và trả lời chất vấn.
Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đã có sự tranh luận sôi nổi giữa ĐBQH cũng như sự trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Vấn đề này được đưa ra diễn đàn Quốc hội, theo tôi, đã tạo cơ hội rất lớn giúp thực hiện quyền trẻ em, xác định được tính chất của vấn đề, thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với vấn đề này.
Qua chất vấn, chúng ta sẽ hoàn tất các văn bản quy phạm pháp luật để làm sao trong thời gian tới, vấn đề này được khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội): Cần định nghĩa rõ các hành vi xâm hại trẻ em
Vấn đề xâm hại tình dục tình dục trẻ em và bạo hành trẻ em là vấn đề cực kỳ khó và có 3 lãnh đạo của ngành là Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng trả lời.
Luật Trẻ em đã có quy định cụ thể việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, làm sao để đưa luật vào cuộc sống và làm sao đưa ra giải pháp để trẻ em thực sự được bảo vệ, giảm thiểu được xâm hại là điều quan trọng. Cần có hệ thống tư pháp thân thiện để chuyên giải quyết cho các em, đối tượng vị thành niên, đối tượng rất dễ bị tổn thương.
Tôi nghĩ biện pháp quan trọng nhất là cơ quan cảnh sát điều tra, nơi trực tiếp vào cuộc đầu tiên, sau đó khởi tố hay không là Viện kiểm sát, ra tòa có tội hay không là xét xử của tòa án. Chúng ta phải tranh luận đến cùng để tìm ra biện pháp để giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em.
Thực tế không chỉ luật không phân biệt rõ ràng mà nhận thức người dân cũng chưa hiểu cụ thể. Chính vì thế cần nghị định và định nghĩa rõ các hành động đó như thế nào là dâm ô, hành động có vi phạm pháp luật.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Phải gắn kết đào tạo nghề với thị trường
Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐT-TB và XH. Các chất vấn của ĐBQH cũng đã nêu trúng và đúng vấn đề mà xã hội, dư luận rất quan tâm.
Tôi đặc biệt quan tâm đến chất vấn của các ĐBQH liên quan đến vấn đề việc làm và thị trường lao động, giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động trẻ và lao động nông thôn.
Tôi rất chia sẻ với những nỗ lực, cố gắng và định hướng giải quyết vấn đề này của Bộ LĐT-TB và XH, đặc biệt là chủ trương gắn với công tác đào tạo nghề trên cơ sở những dự báo dài hạn cung cầu của thị trường lao động gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Bộ trưởng Bộ LĐT-TB và XH đã đề ra những giải pháp tổng thể của chương trình kết nối giữa các cơ sở dạy nghề với các ngành công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, khu công nghiệp lớn trong cả nước; định hướng các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Đây không chỉ là việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động mà còn là nhà đầu tư, là người tham gia vào quá trình giảng dạy, tham gia vào quá trình cung ứng công nghệ và thiết bị cần thiết, làm cho quá trình đạo tạo nghề gần với thực tiễn hơn.