Ngày 24-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học. Nhiều vấn đề mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xin ý kiến vẫn có nhiều tranh luận.
Đề xuất học sinh phổ thông nghỉ học thứ bảy, chủ nhật
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, so với dự thảo đã trình Quốc hội trước đó, dự thảo lần này bổ sung chính sách với nhà giáo và miễn học phí THCS.
Về không thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, điều này tiếp thu ý kiến của ĐBQH là đã phổ cập thì không thu học phí và bảo đảm học bình đẳng đối với giáo dục công lập, ngoài công lập.
Về lương giáo viên, dự thảo luật khẳng định lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đào tạo sư phạm theo nhu cầu, phân công công tác cho sinh viên sự phạm sau khi tốt nghiệp và tín dụng sư phạm.
Theo ông Phan Thanh Bình, các nội dung tập trung lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT với người sau khi tốt nghiệp THCS đi học trung cấp và đã hoàn thành chương trình trung cấp (hiện nay theo quy định hiện hành của Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì người có bằng tốt nghiệp THCS khi hoàn thành chương trình trung cấp nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa THPT. Dự thảo hướng tới sự phân luồng, tạo thuận lợi cho học sinh không phải học một lúc 2 bằng).
Về thời gian học tập của học sinh phổ thông, Ủy ban đề xuất không học cuối tuần ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Về học phí, luật nên quy định thế nào về việc xác định nguyên tắc tính đúng, tỉnh đủ chi phí dịch vụ GD-ĐT?
Về trần học phí có nên quy định mức trần/khung học phí hay không?
Nên giữ kỳ thi THPT
Thảo luận về các nội dung này, ý kiến các chuyên gia khá thống nhất về nội dung thi tốt nghiệp THPT, lương giáo viên. Hầu hết cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp THPP, vì nếu không thi học sinh sẽ không học.
TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nên giữ kỳ thi như hiện nay: thi tại địa phương, có sự tham gia của các trường đại học, đề thi trong chương trình lớp 12, bảo đảm yêu cầu tốt nghiệp và phân hóa tạo điều kiện cho việc tuyển sinh.
Đề thi phải có sự phân hóa tốt. Chấm thi có sự quản lý của Bộ GD-ĐT; tổ chức các cụm chấm thi cho một số tỉnh và huy động giáo viên chấm thi ở các trường đại học cũng như các địa phương.
“Qua sự cố gian lận vừa qua, cần xác định sai ở đâu xử lý ở đó. Nhưng Bộ GD-ĐT nên phối hợp với các địa phương để bố trí các cán bộ làm thi bảo đảm trung thực, có phẩm chất; tăng cường giám sát, thanh tra tốt hơn. Không nên vì sự cố này mà phủ nhận kỳ thi. Còn tương lai đổi mới thi như thế nào thì phải tính toán”, TS Trần Thị Tâm Đan nêu.
Ý kiến của PGS-TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục; PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đều đồng tình cho rằng ít nhất phải giữ kỳ thi hiện tại trong 2-3 năm tới, tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện giải pháp để bảo đảm kỳ thi an toàn, trung thực.
Tương lai, nên giao việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương, việc xét tuyển là tự chủ của các trường đại học.
Về chính sách giáo viên, các đại biểu đều đồng ý lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Đồng thời đề nghị giữ chế độ phụ cấp thâm niên vì đây là đặc thù của ngành giáo dục. Tạo điều kiện cho giáo viên được ưu tiên mua nhà ở xã hội.
Về đào tạo sư phạm, đồng ý bố trí việc cho sinh viên sư phạm. Sinh viên sư phạm chỉ có ngành giáo dục sử dụng, vì vậy nên đầu tư cho một số trường sư phạm trọng điểm, đào tạo có chất lượng, số lượng vừa đủ, bảo đảm việc làm, không thể đào tạo tràn lan như vừa qua.
Về thời gian học tập của học sinh phổ thông, Ủy ban xin ý kiến về bố trí thời gian, không học cuối tuần ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng nên quy định số tiết học của học sinh phổ thông trong một ngày chính xác hơn là buổi, khái niệm “cuối tuần” khá mơ hồ. Đề nghị Ủy ban và Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ về việc học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu là có điều kiện về trường lớp không. Hết sức tránh tình trạng vì học 2 buổi và sĩ số học sinh/lớp tăng lên đến 60-70. Chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào sĩ số học sinh/lớp, xét về thực tế không nên bố trí sĩ số học sinh quá 40.
PGS-TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục tán thành học sinh phổ thông không học thứ bảy, chủ nhật để phù hợp với luật lao động, “trả” các em về cho gia đình để trải nghiệm cuộc sống, gắn kết yêu thương gia đình, đề cao trách nhiệm nuôi dạy trẻ vị thành niên của gia đình.
Một số đại biểu tán thành học sinh phổ thông nghỉ học thứ bảy, chủ nhật. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Bình, có thể cân nhắc điều kiện ở một số nơi.
PGS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội lại cho rằng không nên bỏ học thứ bảy, chủ nhật mà nên giao các trường chủ động bố trí lịch học. Nhất là tới đây thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, có nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, nếu nghỉ thứ bảy các em bị hạn chế thời gian trải nghiệm...