Chiều 28-8-2023, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4 tiếp tục xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Góp ý dự án luật, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận xét, ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5, bổ sung chỉnh sửa gọn hơn với tinh thần cầu thị cao hơn. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần rà soát các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột và đề xuất các phương án để xử lý một cách đồng bộ; rà soát các quy định chuyển tiếp để bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự để tránh khoảng trống về mặt pháp lý khi triển khai thực hiện luật.
Đại diện cơ quan soạn thảo tại phiên họp |
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất an ninh quốc phòng, ĐB Nguyễn Tạo đề nghị xem xét nội dung này với Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới, làm sao triển khai một cách đồng bộ, tránh lọt lộ bí mật của Nhà nước về các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Cụ thể, tại Điều 10, ĐB đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét nội dung để tránh lộ lọt bí mật, hồ sơ của các công trình quốc phòng và khu quân sự; cần có tiêu chí cụ thể về các công trình đặc biệt liên quan đến Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đảm bảo chiến lược bảo vệ và xây dựng Tổ quốc lâu dài.
Điều hành nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, ĐBQH đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã cầu thị trong tiếp thu, giải trình.
Các ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tập trung rà soát làm rõ về giải thích từ ngữ tại Điều 2; bổ sung khái niệm về chuyên môn để dễ hiểu, dễ thực hiện; nghiên cứu kỹ thuật lập pháp cụm từ “kho đạn dược”; làm rõ mức độ bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ rất nghiêm ngặt; về điểm cao, địa hình có giá trị quân sự; vấn đề đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp quốc phòng, an ninh; rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến đất quốc phòng, thu hồi đất quốc phòng, đất lưỡng dụng…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo đầy đủ các ý kiến thảo luận; trên cơ sở ý kiến tham gia của các đoàn ĐBQH, các cơ quan liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.