Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận tổ cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật hóa để khai thác không gian 3 tầng
Trao đổi tại tổ thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Phan Văn Mãi dẫn chứng không ở đâu xa, ngay đất nước Singapore họ đã khai thác không gian ngầm rất triệt để. Trong khi TPHCM có không gian ngầm và đây sẽ là không gian phát triển mới của Thành phố. Cụ thể cuối năm 2023, Thành phố sẽ khánh thành tuyến Metro số 1, như vậy, dọc theo tuyến metro này sẽ có không gian rất lớn để khai thác.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi góp ý về dự thảo Luật Đất đai. Ảnh: QUANG PHÚC |
Vì vậy, Chủ tịch UBND TPHCM hi vọng qua ý kiến thảo luận, các ĐB góp thêm ý kiến để sớm thể chế hóa những vấn đề này vào trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tới đây. Qua đó, sẽ làm khuôn khổ pháp lý cho TP Hà Nội, TPHCM… trong việc khai thác không gian 3 tầng (ngầm, mặt đất, trên không) hiệu quả nhất.
Về trung tâm quỹ đất, ĐB Phan Văn Mãi cho rằng trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TPHCM cũng đã đề xuất mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Theo ĐB, để làm được việc này cần có một tổ chức, một công cụ đủ mạnh, đó có thể là trung tâm quỹ đất. Trung tâm này sẽ là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn nhưng hoạt động như một doanh nghiệp.
Trong đó, trung tâm căn cứ theo quy hoạch, căn cứ theo giá trị trường để tiến hành lập dự án, giải phóng mặt bằng, bồi thường thỏa đáng cho người dân và có quỹ đất sẵn sàng đấu giá để phục vụ cho dự án được triển khai kịp thời, đồng thời có một khoản thu cho ngân sách.
"Đây là điều rất cần cho TP Hà Nội, TPHCM và một số đô thị lớn. Vì vậy, rất mong các ĐB cùng rà soát, cùng đóng góp ý kiến về vấn đề này", Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Văn Mãi gợi ý.
Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM góp ý, bổ sung thêm các hình thức công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng quy định về việc tuyên truyền, phổ biến về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ góp ý về dự thảo Luật Đất đai. Ảnh: QUANG PHÚC |
Việc này do chính quyền địa phương thực hiện tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của mỗi nơi. ĐB cho rằng, nên quy định theo hướng áp dụng dẫn chiếu các hình thức công khai tại Luật Thực hiện dân chủ cơ sở vào trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, việc này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chính quyền cũng như người dân có căn cứ cụ thể để xem xét tiến trình triển khai công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và hạn chế tình trạng ngập ngừng, chậm trễ vì phải đi hỏi, xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
Đồng tình ý kiến trên, ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội góp ý về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông về đất đai nhưng trừ những trường hợp liên quan đến bí mật Nhà nước.
ĐB Nguyễn Minh Đức. Ảnh: QUANG PHÚC |
Lâu nay, thông tin liên quan đến quy hoạch về đất, kế hoạch sử dụng đất lấy lý do này mà không minh bạch, công khai. Các nhà đầu tư bất động sản tiếp cận được thông tin và thực hiện chiến lược đầu cơ đất, hưởng lợi. Trong khi người dân thiếu thông tin, chuyển nhượng với giá rẻ mạt và khi biết được mình chuyển nhượng giá rẻ mạt thì mới "té ngửa" ra.
Vì vậy ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị, cần có quy định chặt chẽ nhất trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân. Đồng thời có quy định cụ thể để tránh việc lợi dụng quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước để dẫn đến câu chuyện là thiếu minh bạch thông tin về đất đai dẫn đến thiệt thòi cho những người sử dụng đất.
Thu hồi đất phải bồi thường thỏa đáng cho dân
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị, bổ sung thêm quy định đối với trường hợp thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động.
Trong đó, cần thể hiện rõ điều kiện bao gồm xây dựng cả về vật chất và tinh thần chứ không chỉ quy định xây dựng xây nhà. "Vì hiện nay, đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết rất hạn chế", ĐB Nguyễn Thị Lệ nêu thực tế.
ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung đối với những trường hợp nhà, công trình xây dựng của tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng cũng được áp dụng chính sách bồi thường tương tự như hộ gia đình, cá nhân.
Theo ĐB, các loại công trình này chứa đựng cả yếu tố tinh thần và một khi bị phá vỡ thì các chính sách như xây mới tại một địa điểm khác hoặc bồi thường một nửa, giữ lại một nửa hiện trạng cũng không thể được chấp nhận.
"Nhằm đảm bảo quyền lợi của các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng nên ưu tiên bồi thường bằng giá trị tài sản chứ không nên bồi thường bằng hiện vật, tạo điều kiện để cho các tổ chức tự quyết định sao cho phù hợp với nhu cầu và yếu tố tín ngưỡng của các tổ chức tôn giáo này", ĐB Nguyễn Thị Lệ góp ý.
ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý thêm, trong việc thu hồi đất của người dân cần đặt mình vào trong hoàn cảnh của người có đất bị thu hồi và phải di dời thì chúng ta mới giải quyết được căn cơ vấn đề.
ĐB cho rằng, thu hồi đất để làm dự án không chỉ bằng tiền là xong mà còn phải tính đến những yếu tố tinh thần, giá trị tinh thần của tài sản người có đất bị thu hồi. "Những yếu tố này cần phải được lượng hóa và cụ thể hóa vào luật", ĐB đề nghị.