Không làm thay nhiệm vụ công an xã
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì hơn 126.000 công an xã, thị trấn bán chuyên trách dôi dư tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQPAN), cho biết, thường trực ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn phạm vi, phương thức thực hiện nhiệm vụ và xác định trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, tránh xảy ra “lạm quyền”, xâm phạm quyền con người, quyền công dân khi thi hành luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề tại sao luật chỉ điều chỉnh 3 lực lượng mà chưa đề cập các mô hình tổ chức tự quản của quần chúng trong bảo đảm an ninh trật tự như “hiệp sĩ đường phố”, công nhân tự quản... mà thực tế cho thấy có hiệu quả. Luật này cần phải đặt ra mối liên hệ với các tổ tự quản đã có, phát huy hiệu quả để đúng với mục tiêu và tên gọi của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và thực chất đều là nhiệm vụ của công an xã. Do đó, phải xác định rõ hơn tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này với công an xã chính quy để không chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an mà chắc chắn là không làm thay được.
Đáng lưu ý, một số ý kiến tại phiên họp còn băn khoăn về vai trò, hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản khác sau khi luật này được ban hành. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quá trình xây dựng luật có khảo sát toàn bộ tổ chức tự quản quần chúng. Do các lực lượng tự quản khác hoạt động với mô hình khác nhau, đơn lẻ ở địa phương, không bao trùm toàn quốc nên cần nghiên cứu đánh giá thận trọng cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, không có chuyện luật ra đời sẽ làm giảm vai trò tham gia của các lực lượng này mà vai trò đó còn được phát huy…
Chú trọng quản lý sau cai nghiện ma túy
Liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã chỉ rõ một số “khoảng trống pháp luật” sau quá trình thẩm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết: “Về nội dung cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng bổ sung các điều, khoản quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập”. Vẫn theo cơ quan thẩm tra, cần nghiên cứu bổ sung vào luật quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện.
Nhiều ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh quan điểm cần có những giải pháp cương quyết, mạnh tay hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị đánh giá sâu và kỹ hơn việc cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình, xem có thực sự đem lại lợi ích và hiệu quả tốt hơn hay không. “Số đông cử tri không thích điều này vì ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội địa phương. Đưa về cai nghiện ở gia đình thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của thân nhân người nghiện”, ông Nguyễn Văn Giàu nhận xét. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi pháp luật không đặt người nghiện ma túy vào vị trí “người bệnh”, song lại cũng không thể coi họ là tội phạm khi họ vi phạm pháp luật, vì yếu tố nhân đạo. Nếu không cương quyết thì khó nên cần mạnh tay hơn. Cần có giải pháp mạnh dần theo từng giai đoạn, như bước đầu thì khuyến khích cai nghiện; tái phạm thì cưỡng chế; nếu tiếp tục vi phạm dù đã được hỗ trợ thì cần tính đến giải pháp cách ly khỏi xã hội.