Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Việc xây dựng nghị định này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) cho một số ngành, lĩnh vực. Dự kiến, trong quý 1, chính sách về hỗ trợ lãi suất 2% sẽ được ban hành và triển khai.
Tuy nhiên, hiện nay, bản dự thảo vẫn còn một số điểm có thể gây khó trong quá trình triển khai, ví dụ như về trình tự, thủ tục tạm cấp bù và quyết toán cấp bù lãi suất; hay còn có một số quy định tạo “rào cản” với đối tượng đi vay. Chẳng hạn, theo dự thảo, NHTM được tạm cấp bù lãi suất và quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng thông qua Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, hiện nay hệ thống báo cáo thống kê của các NHTM đã được kết nối trực tiếp với NHNN, vì thế quản lý thông tin khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất sẽ được cập nhật kịp thời. Do đó, việc NHNN quản lý, theo dõi, quyết toán, đối chiếu, xử lý chênh lệch số liệu, thu hồi số tiền cấp bù lãi suất đối với các NHTM là hợp lý, hiệu quả hơn so với việc thực hiện trực tiếp giữa các NHTM và Bộ Tài chính. Mặt khác, NHNN có trách nhiệm thanh tra, giám sát quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM. Trong khi đó, việc xử lý các vấn đề liên quan đến cho vay hỗ trợ lãi suất lại qua Bộ Tài chính sẽ dẫn đến chồng chéo, không hiệu quả.
Về vấn đề cho vay, dự thảo còn bộc lộ những điểm chưa rõ ràng như các quy định: “Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày nghị định này có hiệu lực đến ngày 31-12-2023” và “Khoản vay được hỗ trợ là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11-1-2022 đến ngày 31-12-2023”. Đối chiếu các quy định trên, có thể sẽ nảy sinh trường hợp khoản vay được giải ngân trong thời gian này nhưng kỳ trả lãi lại nằm sau thời điểm 31-12-2023 và sẽ không được hỗ trợ. Ngoài ra, theo dự kiến, để được hỗ trợ, khách hàng phải “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Tuy nhiên, đây là các tiêu chí định lượng khó đánh giá trên thực tế. Do đó, ý kiến từ Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nên sửa đổi quy định theo hướng “có khả năng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” để bảo đảm tính hợp lý, khả thi.
Việc xây dựng và ban hành nghị định này thể hiện sự đồng hành của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp các đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất rẻ hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, bài học từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 cho thấy, quy định về hỗ trợ lãi suất cần chặt chẽ để hướng dòng vốn đi vào sản xuất, tránh “tiền rẻ” chạy vào các thị trường tài sản, gây bong bóng chứng khoán, bất động sản, lạm phát. Vì thế, phần nào có thể hiểu sự thận trọng trong xây dựng văn bản hướng dẫn. Song, theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lãi suất được “sinh ra” trong hoàn cảnh cấp bách, vì thế, trách nhiệm của các cơ quan liên quan là phải nhanh chóng đưa chính sách vào thực tiễn. Trong đó, nhằm hạn chế rủi ro, cần đặc biệt lưu ý việc lựa chọn kỹ lưỡng ngành nghề, doanh nghiệp để hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, quy định về cấp bù lãi suất phải thống nhất, minh bạch, đơn giản và rõ ràng để các NHTM dễ triển khai, đối tượng đủ tiêu chuẩn dễ tiếp cận vốn, tránh hiện tượng “xin - cho” làm méo mó chủ trương đúng đắn.