Ngày 16-5, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trước đó, ngày 28-2-2023, Chính phủ có Tờ trình số 47/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, trong đó đề nghị bổ sung dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Chính phủ cũng đã có Tờ trình số 48/TTr-CP và báo cáo số 49/BC-CP về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều, quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Khẳng định sự cần thiết hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, song một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn có những khái niệm chưa rõ ràng, khó hiểu.
Trong số những nội dung cụ thể, nhiều ý kiến quan tâm đến cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông.
Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Hùng tán thành thiết kế chương riêng về “Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ”, nhưng lưu ý thêm, dự thảo cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông và trách nhiệm của lực lượng cảnh sát khác, bởi trong quá trình chỉ huy điều khiển sẽ có những việc ảnh hưởng đến quyền của người tham gia giao thông.
Cùng mối quan tâm, TS Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ nhận xét, bên cạnh những chính sách mang tính chiến lược và một số biện pháp có tính định hướng là “quy định khung giờ cao điểm…”, Luật cần nêu rõ những cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp kinh tế, pháp luật, hành chính, khoa học, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cần quy định theo hướng làm rõ, đơn giản hóa các loại chứng chỉ, minh bạch về chủ thể cấp, đổi trong bối cảnh sắp xếp, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước và dự liệu việc thực hiện khi chưa có các văn bản dưới luật mới thay thế các văn bản đang có hiệu lực.
“Cần xác định thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ”, TS Hoàng Thị Ngân phát biểu.
Một điểm đáng lưu ý khác, theo đại biểu, để Bộ Y tế có cơ sở quy định chi tiết về tuổi, sức khỏe của người tham gia giao thông, thì dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải đưa ra được khung nguyên tắc. Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý quy định sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đối với một số nhóm đặc thù, nhất là người khuyết tật.