Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, cuối buổi sáng 22-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Hiệp định BHXH giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc bổ sung quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc mà đã góp phần bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại nước ngoài.
Tuy nhiên, với quy định áp dụng BHXH nêu trên cũng phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH: người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam (theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật BHXH), vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc và cũng tương tự đối với người lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam.
“Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia sẽ giải quyết vấn đề nêu trên bằng việc thỏa thuận thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH”, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, lao động xã hội, giao lưu nhân dân, cùng với đó, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và số lao động Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc ngày càng tăng.
Để đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước người lao động đến làm việc, tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước; từ năm 2015 đến nay, Chính phủ hai bên đã trao đổi, đàm phán và về cơ bản đã thống nhất nội dung dự thảo hiệp định về BHXH giữa hai nước.
Việc tiến tới ký kết hiệp định là ghi nhận kết quả của quá trình đàm phán giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc và cũng là tiền đề để Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động đàm phán hiệp định về BHXH trong thời gian tới.
Về nội dung cụ thể của hiệp định, Bộ trưởng LĐTB-XH nêu, ngoại trừ có quy định khác tại hiệp định, còn thì người lao động sinh sống và làm việc trong lãnh thổ của một trong 2 bên ký kết hiệp định sẽ được đối xử công bằng về BHXH như công dân của bên ký kết đó, đồng thời sẽ chỉ chịu sự điều chỉnh theo pháp luật của bên ký kết nơi mà người lao động đến làm việc.
Đáng lưu ý, người lao động của một bên ký kết đang tạm sinh sống và được tuyển dụng bởi người sử dụng lao động ở bên ký kết còn lại thì chỉ áp dụng pháp luật của bên ký kết còn lại.
Riêng đối với người lao động là công dân Hàn Quốc được người sử dụng lao động tại Việt Nam tuyển dụng làm việc tại Việt Nam thì chỉ áp dụng pháp luật của Hàn Quốc trong thời gian không quá 60 tháng.
Quy định trên đáp ứng được mong muốn của phía Hàn Quốc về việc áp dụng pháp luật của Hàn Quốc đối với công dân Hàn Quốc được tuyển dụng vào làm việc tại Việt Nam; riêng đối công dân Việt Nam được tuyển dụng vào làm việc tại Hàn Quốc thì phía Việt Nam mong muốn được áp dụng pháp luật của Hàn Quốc để đảm bảo quyền lợi cao hơn cho người lao động.
Ngoài quy định nhằm tránh đóng BHXH 2 lần, hiệp định hướng đến việc tối ưu hóa quyền lợi BHXH cho công dân 2 nước thông qua việc tính tổng thời gian tham gia BHXH ở cả 2 nước để xét hưởng quyền lợi hưu trí.
Thời gian tham gia BHXH để tính hưởng quyền lợi hưu trí là tổng các khoảng thời gian tham gia BHXH đã được ghi nhận theo pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc, không bao gồm thời gian trùng (nếu có). Việc tính hưởng chế độ BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật của mỗi bên ký kết.
Qua thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ký hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên hiệp quốc.