(SGGPO).- Chiều 4-4, Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Trước khi tiến hành thảo luận, Hội nghị nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Bồi thường thiệt hại tinh thần đối với người thân thích của người bị oan
Một nội dung đáng lưu ý tại Báo cáo nói trên là việc bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27). Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, Điều 27 của dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại giới hạn chỉ đối với trường hợp tính mạng bị xâm phạm.
Theo đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), điều kiện để được bồi thường là người bị thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại thực tế là “làm khó cho người bị thiệt hại". Trong ảnh là ông Huỳnh Văn Nén (phải) cũng phải vất vả mới được bồi thường oan sai sau nhiều năm bị tù oan.
“Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị thiệt hại còn sống hay đã chết. Vì vậy, quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng phải tính tới xuất phát điểm của mối quan hệ đặc thù này”, ông Định giải thích.
Do còn có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn áp dụng và ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý, dự thảo đã bổ sung quy định lý theo hướng làm rõ hơn việc bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, phù hợp với Điều 591 Bộ luật Dân sự.
Không thành lập Quỹ bồi thường độc lập
Liên quan đến kinh phí bồi thường, ông Định cho biết, có ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác; cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, xét thấy khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì “toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước” (khoản 2 Điều 8 Luật ngân sách nhà nước). Nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó mới phân bổ cho Quỹ.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Hơn nữa, việc thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không thành lập quỹ này.
Tránh để lọt trách nhiệm của cá nhân gây oan, sai
Đây là ý kiến của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). ĐB Phương cho rằng Chương 4 về cơ quan giải quyết bồi thường có quy định, chi phí bồi thường trích từ kinh phí của cơ quan nhà nước đã gây oan sai, “không thấy nói về chi phí bồi thường từ cá nhân gây oan sai. Cần phải ghi rõ là cơ quan và cá nhân cùng có trách nhiệm bồi thường”. Từ thực tế địa phương mình, ông Phương đề nghị bổ sung thêm 2 trường hợp phải bồi thường trong quản lý hành chính là trường hợp ra quyết định sai với nội dung giải quyết khiếu nại tố cáo, có biểu hiện bảo vệ, bao che người bị tố cáo và ra quyết định bán đấu giá tài sản nhưng sai sót, dẫn đến không bàn giao được tài sản, không thi hành án được”.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) thì cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn để “trống” trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài bị thiệt hại vì oan sai; cần bổ sung quy định giải quyết bồi thường cho trường hợp này. Ông Bình cũng góp ý rằng, điều kiện để được bồi thường là người bị thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại thực tế là “làm khó cho người bị thiệt hại”, vì thực tế rất ít khi người bị kết án chủ động chuẩn bị bằng chứng cho mình. Chính vì vậy đa số các trường hợp bị oan sai thời gian qua phải mất rất nhiều năm mới được bồi thường. “Nên quy định theo hướng việc chứng minh thiệt hại không phải yêu cầu bắt buộc đối với người bị oan sai mà có khung có từng loại bồi thường”, ĐB nêu quan điểm.
ANH PHƯƠNG
>> Siết chặt quản lý tài sản cho, biếu, tặng