Lạm phát bình quân khoảng 3,17%-3,41%
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,1%. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Diễn biến CPI 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp. Nguyên nhân góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo là do giá lương thực giảm vì nguồn cung trong nước dồi dào; giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ cuối tháng 5 đến nay; giá dịch vụ viễn thông tiếp tục giảm… Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc phối hợp chặt chẽ các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến giá cả chung và lạm phát kỳ vọng.
Đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đến nay có 8 địa phương đã điều chỉnh giá dịch vụ không có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để tránh việc tác động đến tâm lý trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện thời gian qua, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương còn lại tạm dừng điều chỉnh, trừ trường hợp việc điều chỉnh giá y tế ở các địa phương tác động giảm đến CPI. Về giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, để tránh việc tăng giá tác động đến CPI, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các tỉnh, thành yêu cầu đăng ký lộ trình, thời điểm dự kiến tăng học phí và lưu ý các địa phương không tăng học phí vào một thời điểm, nhất là năm học mới để hạn chế tối đa tác động đến CPI. Trong khi đó, nếu giá các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thủy hải sản ổn định, thì giá thịt heo có tăng, giảm và hiện tại đang tăng từ đầu tháng 6 tới nay do thiếu nguồn cung vì dịch bệnh tả heo châu Phi.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường; việc điều chỉnh lương cơ sở; yếu tố rủi ro về dịch bệnh, thiên tai và thời tiết bất lợi… Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: dự báo giá gạo trong nước và thế giới có khả năng giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào; các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định; giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định… Dự báo 2 kịch bản tăng lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng 3,17%-3,41%, thấp hơn cả mục tiêu đặt ra từ phiên họp trước đó là CPI 3,3%-3,9% và thấp hơn cả CPI của năm 2018. Với kịch bản trên, các mặt hàng, dịch vụ công do Nhà nước còn quản lý sẽ còn dư địa xem xét vào quý 4.
Rút kinh nghiệm trong điều hành giá điện
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát kỳ vọng. Tuy nhiên, việc điều hành giá điện vào tháng 3 vừa qua còn chưa tốt ở khâu truyền thông, là thiếu sót cần được các bộ, ngành rút kinh nghiệm trong các lần điều hành tới. Về công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng đồng tình với dự báo của nhóm giúp việc về kịch bản lạm phát cả năm tăng ở mức 3,17%-3,41%. “Trong điều kiện lạm phát thấp sẽ thuận lợi hơn để điều chỉnh một số dịch vụ công, nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người dân, tạo dư địa cho điều hành lạm phát trong năm sau”, Phó Thủ tướng nói.
Từ nay tới cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hòa cung cầu lương thực, thực phẩm nhất là thịt heo, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Bộ Công thương và Bộ Tài chính điều hành giá xăng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tránh để Quỹ Bình ổn xăng dầu xuống thấp như vừa qua. Về giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.
Về giá BOT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần sớm trình Chính phủ tổng thể các giải pháp, đánh giá kỹ lộ trình, tác động của điều chỉnh giá, cả phương án hoàn vốn của các chủ đầu tư, nhất là phân loại nợ của ngân hàng, bảo đảm khả năng trả nợ. Các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống về quản lý, điều hành giá cho các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí; tăng cường công khai, minh bạch các thông tin về chỉ số đầu vào, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.