Tranh cử Mỹ: So kè từng ly


Ngày 21-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn việc tính những người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ trong cuộc điều tra dân số năm 2020 để phân bổ đại diện của từng hạt bầu cử trong quốc hội.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn việc tính những người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ. Nguồn: TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn việc tính những người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ. Nguồn: TTXVN

Theo sắc lệnh này, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ không được tính vào tổng số dân tại mỗi bang trong cuộc điều tra dân số nhằm xác định bang đó sẽ được phân bổ bao nhiêu đại biểu trong Quốc hội Mỹ. Đây là một bước đi mang tính quyết định nhằm thực thi mọi cam kết quan trọng của ông rằng, chỉ có công dân Mỹ, chứ không phải là người nhập cư bất hợp pháp, mới có đại diện trong quốc hội.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và luật sư cho rằng sắc lệnh này sẽ gây ra một cuộc chiến pháp lý bởi có khả năng có lợi cho đảng Cộng hòa. Các khu vực bỏ phiếu chỉ dành cho công dân Mỹ có thể hợp pháp đối với các khu vực bỏ phiếu ở cấp tiểu bang, tuy nhiên Hiến pháp Mỹ quy định rõ việc phân chia số ghế đại biểu trong Quốc hội Mỹ phải dựa trên toàn bộ dân số ở mỗi bang đó. Chính vì vậy, quyết định mới chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ cũng như các bang do đảng Dân chủ kiểm soát, khi cho rằng đây là nỗ lực mới nhất của nội các Tổng thống Donald Trump trong việc giảm hỗ trợ cho các bang có dân số phần lớn là người nhập cư cũng như giảm ảnh hưởng chính trị của những bang này với hầu hết đại diện thuộc đảng Dân chủ.

Thông thường, các cộng đồng người nhập cư tại Mỹ luôn là lực lượng ủng hộ đông đảo đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử. Chương trình thống kê dân số được xem là cuộc khảo sát nhân khẩu học lớn nhất và chi tiết nhất tại Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định cứ 10 năm một lần, chính phủ sẽ thống kê toàn bộ dân số, bất kể tình trạng hợp pháp hay không hợp pháp của họ. Tài liệu này mang ý nghĩa chính trị rất lớn, bởi thông tin thu thập được sẽ trở thành cơ sở cho bản đồ bầu cử. Số ghế trong Hạ viện được điều chỉnh và phân bổ giữa các bang dựa trên số liệu mới về quy mô dân số.

Số liệu thống kê cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng chi mạnh tay cho các hoạt động tranh cử trong bối cảnh còn khoảng 100 ngày nữa là tới ngày bầu cử quyết định thành bại trong nỗ lực tái tranh cử của ông. Theo một báo cáo công bố ngày 20-7, ông chủ Nhà Trắng đã chi 50,3 triệu USD cho các cuộc vận động tranh cử trong tháng 6 vừa qua, gấp đôi so với số tiền mà ông đã bỏ ra vào tháng trước cho các hoạt động tương tự. Thống kê của Ủy ban Bầu cử liên bang cho thấy, tính đến cuối tháng trước, tổng số tiền mà Tổng thống Donald Trump đã bỏ ra cho các hoạt động quảng bá và vận động tranh cử là 113 triệu USD. Trong khi đó, 37 triệu USD là số tiền mà đối thủ của ông Donald Trump là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bỏ ra để phục vụ cho các cuộc vận động tranh cử trong tháng 6 và tính đến cuối tháng này, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ này đã chi tổng cộng 108,9 triệu USD.

Trong bối cảnh đối thủ là ông Biden đang tạm dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã triển khai chiến dịch quảng bá lớn trên truyền hình, mua lượng lớn thời lượng quảng cáo. 

Một nghiên cứu khác của dự án truyền thông Wesleyan, cơ quan chuyên giám sát khoản tiền chi cho vận động tranh cử, cho thấy từ ngày11-5 đến cuối tháng 6, nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã chi tiền cho 50.000 quảng cáo trên khắp nước, trong khi con số mà nhóm vận động của ông Biden thực hiện là 3.100 quảng cáo. 

Dù có lợi thế về tài chính, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn tạm thời đứng sau ông Biden trong các cuộc thăm dò ý kiến. Kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos thực hiện trung tuần tháng 7 này cho thấy ông Biden đang tạm dẫn trước Tổng thống Donald Trump với cách biệt 10%.

Tin cùng chuyên mục