Sáng 26-10, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều; xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ, trong đó, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ quan tâm đến 7 quyền hạn cụ thể của CSCĐ, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.
Đó là được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
Đồng tình với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật CSCĐ nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng một số lực lượng trong công an nhân dân, song ĐBQH Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động để không xảy ra việc trùng hoặc chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị cảnh sát cơ động hay với các đơn vị khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
ĐB Vương Thị Hương nêu dẫn chứng, Điều 9 dự thảo quy định, một trong những nhiệm vụ của CSCĐ là tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, thực tế trong công an nhân dân hiện nay, việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ nòng cốt của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng CSCĐ đối với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ để không xảy ra sự chồng chéo, bảo đảm sự phù hợp về tính chất lực lượng vũ trang chiến đấu của cảnh sát cơ động cũng như phù hợp với quan điểm xây dựng lực lượng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
ĐB Trần Đình Chung (Đà Nẵng) cho rằng, những năm gần đây, hoạt động chống phá, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, gây rối ANTT của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí "nóng" và các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong nhiều vụ việc "nóng", phức tạp về ANTT, trong tình huống đặc biệt như dịch bệnh vừa qua, lực lượng CSCĐ đã phát huy được vai trò rất lớn trong giải quyết, ổn định tình hình ở những giai đoạn cam go nhất, cần phải được sử dụng những biện pháp mạnh, quyết liệt.
Về quy định CSCĐ được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức để giải cứu con tin, trấn áp hành vi khủng bố và tội phạm, ông Trần Đình Chung đề nghị nghiên cứu, bổ sung việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình đối với phương tiện giao thông, tàu biển, tàu lửa, máy bay vì thực tế ở các nước đã xảy ra khủng bố trên các phương tiện này...
Cùng quan điểm, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) khẳng định, việc bổ sung quyền của CSCĐ được mang theo bên người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng máy bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT.
Một vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm là quy định về thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ CSCĐ. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phân tích, Luật Nhà ở hiện hành đã quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý nhà nước về nhà ở; Luật này cũng đã quy định về chính sách nhà ở xã hội, trong đó không có khoản nào quy định riêng về cán bộ, chiến sĩ CSCĐ. Theo ĐB, Luật Nhà ở cần được thực hiện thống nhất, không tạo ra những trường hợp riêng biệt nào.
Liên quan đến việc trang bị máy bay riêng cho lực lượng CSCĐ, hiện đang có 2 quan điểm khác biệt.
Một, cần thiết, để đảm bảo tính chủ động, tác chiến nhanh.
Hai, có thể huy động lực lượng không quân hoặc các lực lượng khác, không nhất thiết phải trang bị riêng máy bay (kèm theo đó là quỹ đất, cơ sở huấn luyện…) cho CSCĐ, gây tốn kém không cần thiết.
“Quân đội với công an là anh em ruột thịt, được điều hành thống nhất. Khi cần thiết chúng ta có thể điều động máy bay của không quân, chứ cấp máy bay riêng cho CSCĐ là tốn kém, không cần thiết”, ĐB Phạm Văn Hòa khẳng định.