Tranh chấp liên quan đến tên tác phẩm “Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời”

"Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời". Đây là hai câu thơ của nhà thơ Thục Linh, nhưng lâu nay lại được dùng một cách vô tội vạ. Đặc biệt, một đơn vị làm sách đã tự ý sử dụng làm tên sách dù chưa được phép.

Thục Linh là bút danh của nhà báo Trần Vương Thuấn, hiện đang công tác tại Tạp chí Thế giới số. Anh nổi tiếng từ thời còn là sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Năm 18 tuổi, anh đã là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận, từng là đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần VI năm 2001 tại Hà Nội. 

Hai câu thơ “Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời” là hai câu thơ mở đầu trong bài thơ Treo tình của nhà thơ Thục Linh được anh công bố vào năm 2004. Tuy nhiên, về sau, hai câu thơ này được dùng một cách vô tội vạ trên các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội; thậm chí, cho cả nhạc và phim ngắn.

Gần đây, bộ tiểu thuyết ngôn tình gồm hai tập của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ do Thu Ngân dịch, khi phát hành tại Việt Nam cũng tự ý sử dụng hai câu thơ của nhà thơ Thục Linh làm nhan đề cho tác phẩm. Cụ thể, đó là bộ tiểu thuyết gồm 2 tập Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời do Công ty Cổ phần Sách Amun và NXB Văn học phát hành năm 2020.

Tranh chấp liên quan đến tên tác phẩm “Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời” ảnh 1 Bộ tiểu thuyết của tác Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ khi dịch sang Việt Nam được đặt tên theo hai câu thơ của nhà thơ Thục Linh
Theo chia sẻ của nhà thơ Thục Linh, lâu nay, khi hai câu thơ này lưu truyền và sản sinh nhiều dị bản, bị bóp méo trong một bài hát, lẫn được ứng dụng vào các tình huống khác nhau, anh thường chỉ gãi đầu cười.
“Nhưng lần này tôi lên tiếng, một người dịch tên Thu Ngân đã dùng 2 câu này để làm tựa đề cho bản dịch một truyện ngôn tình Trung Quốc, như thể đó là của chính tác giả Trung Quốc! Với tư cách là tác giả hai câu thơ trên, tôi không đồng ý cho việc sử dụng làm tựa đề này”, nhà thơ Thục Linh bày tỏ trên trang cá nhân của mình.
Anh nói thêm: “Lý do đơn giản là việc này có thể khiến 2 câu trên thời gian tới, sau khi mất sở cứ, sẽ trở thành của chính tác giả Trung Quốc ấy. Hai câu thơ có thể không có giá trị gì nhiều, nhưng tôi không thích chúng bỗng thuộc về một tác giả Trung Quốc, thế thôi!”.

Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với nhà thơ Thục Linh và được anh cho biết, anh không có ý định kiện cáo hay bồi thường mà mong muốn phía đơn vị phát hành cần có thông báo rộng rãi để độc giả biết được đó là hai câu thơ của anh, không phải nhan đề tác phẩm của một tác giả Trung Quốc. Với những lần tái bản tới (nếu có), nhà thơ Thục Linh cũng yêu cầu phải có chú thích rõ ràng.
Tranh chấp liên quan đến tên tác phẩm “Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời” ảnh 2 Phần chú thích ở trang 4 của tác phẩm, tuy nhiên, phần chú thích này vô tình đã xâm phạm sự nguyên vẹn câu thơ của nhà thơ Thục Linh
Mặc dù bìa sách sử dụng hai câu thơ của nhà thơ Thục Linh làm nhan đề của tác phẩm, nhưng tại trang 4 của sách cũng có chú thích với nội dung: Tên sách mượn ý thơ từ câu thơ: Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời/ Thương thầm một nụ cười, cả một đời phiêu lãng (sưu tầm). Đây là câu “ngôn tình” nổi tiếng rất được các bạn trẻ yêu thích.
Tuy nhiên, thực tế đây là một sự “tam sao thất bản”, đã vô tình xâm phạm đến sự nguyên vẹn câu thơ lẫn tứ thơ của nhà thơ Thục Linh.

Nguyên văn bài thơ Treo tình:

Uống lầm một ánh mắt
Cơn say theo nửa đời
Đôi khi quờ tay lạnh
Tình treo trên ghế ngồi

Người về qua phố cũ
Hoa một mùa cạn hương
Người không về phố cũ
Tình treo trong giáo đường

Qua rất nhiều tất bật
Tôi cũ hơn câu thơ
Người ngược xuôi quên nhớ
Tình treo ngay giấc mơ

Rồi đi, đi, đi hút
Chân mỏi cuộc lữ hành
Đám đông reo trên phố
Tình treo trong vinh danh

Hôm nay mười năm chẵn
Tình thắt dây xà nhà.


Liên hệ với dịch giả Thu Ngân, chị cho biết tên tác phẩm gốc của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ được chị dịch sang tên tiếng Việt là Ý tại ngôn ngoại. Việc tác phẩm được đặt tên như hiện tại hoàn toàn xuất phát từ đơn vị phát hành.

Chúng tôi cũng đồng thời liên hệ với bà Trần Hải Ngọc, Phụ trách sản xuất, Công ty sách Amun và được bà Ngọc cho biết: “Trước tiên, xin thay mặt ê-kíp sản xuất của Amun gửi lời xin lỗi chân thành đến nhà thơ Thục Linh vì đã xảy ra sự cố đáng tiếc này. Chúng tôi đã không tìm hiểu tận gốc vấn đề bản quyền của tứ thơ trên trong quá trình đặt tên cho tác phẩm”.

Hiện tại, phía Amun đã liên hệ và gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Thục Linh, đồng thời cam kết sẽ ngay lập tức làm rõ thông tin về tên sách trên các phương tiện truyền thông của Amun và sẽ sửa thông tin đầy đủ khi tác phẩm này được tái bản.

Tin cùng chuyên mục