Mà nguyên nhân chính của việc chậm bàn giao này xuất phát từ lợi ích của việc quản lý nguồn phí bảo trì chung cư (2% giá trị căn hộ, do cư dân đóng).
Ở một số chung cư lớn thì số quỹ bảo trì này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vì lợi ích trong việc quản lý quỹ như được hưởng lãi suất chênh lệch khi gửi tiền tiết kiệm, được dùng tiền này để quyết toán và thanh toán các khoản sửa chữa, bảo trì, thuê dịch vụ, bảo vệ (dễ có hoa hồng) nên nhiều chủ đầu tư không muốn “buông”!
Theo quy định tại Thông tư 02 của Bộ Xây dựng thì chung cư có 50% số căn hộ ở là phải bầu ban quản trị, chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị tự quản và quản lý quỹ đó. Thế nhưng, rất nhiều chủ đầu tư không muốn hoặc chậm thực hiện.
Điển hình là chung cư Khang Gia (quận Tân Phú), sau nhiều lần cư dân khiếu nại thì 2 năm sau mới bầu được ban quản trị, nhưng… chủ đầu tư vẫn không chịu bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Nhiều ý kiến cho rằng các chủ đầu tư đang “tham bát bỏ mâm” - đã xây dựng, thu lời từ dự án thì tiếc chi vài phần trăm phí bảo trì mà tranh giành với cư dân, để rồi phải “gánh” trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Vụ cháy ở chung cư Carina là một ví dụ.
Thực tế, khá nhiều chung cư trên địa bàn TPHCM đang vi phạm về việc thành lập ban quản trị và bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho cư dân tự quản. Đơn thư khiếu nại và tranh chấp liên miên.
Vấn đề là vì sao Thông tư 02 quy định rõ trách nhiệm xử phạt những sai phạm của chủ đầu tư thuộc sở xây dựng các địa phương xử lý, nhưng vì sao nhiều vi phạm, kiện tụng, tranh chấp đã xảy ra, cơ quan quản lý được giao trách nhiệm lại không xử lý rốt ráo?
Đó là câu hỏi bức xúc của người dân lâu nay về trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của sở xây dựng và chính quyền các địa phương. Thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, hay cố tình lơ cho sai phạm - đây là câu hỏi đang chờ sở xây dựng và chính quyền các địa phương trả lời.