Theo Điều 18 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, quyền tác giả đối với tác phẩm quy định bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Tại phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 3-9, hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, quyền nhân thân thuộc về họa sĩ Lê Linh, còn quyền tài sản thuộc về Công ty Phan Thị. TAND TPHCM nhận định: “Công ty Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa tác phẩm gốc. Ông Lê Phong Linh là tác giả của tác phẩm có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm”.
Rõ ràng Công ty Phan Thị sẽ chẳng thể làm được gì thêm từ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng mà họa sĩ Lê Linh là tác giả. Trong khi đó, Phan Thị đã phải đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, truyền thông… giúp bộ truyện Thần đồng đất Việt đến được với đông đảo bạn đọc, trở thành bộ truyện tranh Việt Nam hiếm hoi thành công tính đến hiện nay. Chưa kể, Công ty Phan Thị từng trả lương, thưởng cho họa sĩ Lê Linh trong thời gian anh làm việc tại đây. Trong một lần trả lời báo chí, họa sĩ Lê Linh cho biết, tính từ lúc làm việc cho đến ngày nghỉ, anh đã nhận được hơn 3 tỷ đồng từ bị đơn.
HĐXX cho rằng, hình thức thể hiện các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo là các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, là loại hình tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Điểm i, Khoản 1 Điều 747 Bộ luật Dân sự năm 1995. Một khi được gọi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì tác phẩm đó phải có khả năng ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc thương mại dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, với phán quyết trên, nguy cơ tác phẩm gốc sẽ phải “chết dí một chỗ”. Khi đó, thêm một đối tượng chịu tổn thất trong câu chuyện này, chính là công chúng. Không chỉ truyện mà những định dạng media (phương tiện truyền thông) khác như hoạt hình, phim; hay chuyển ngữ, xuất bản qua nước ngoài dường như cũng “hết cửa”?
“Phán quyết cũng đã tuyên, Công ty Phan Thị hay Lê Linh là người chiến thắng thật ra cũng không quan trọng. Nhưng cộng đồng sáng tạo và nền công nghiệp không khói còn non trẻ của Việt Nam lại thua đau...”, luật sư Phan Vũ Tuấn nhận định. |
Theo Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM - luật sư Phan Vũ Tuấn (thuộc Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam), phán quyết của TAND TPHCM đang khiến công chúng nhầm lẫn giữa khái niệm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, tạo nên một nguy cơ tiềm tàng chưa từng có trong ngành công nghiệp sáng tạo, điều mà những người tham gia vụ án hoàn toàn thấu hiểu, nhưng lại lờ đi một cách khó đoán. Vì để bảo vệ tuyệt đối quyền của một chủ thể mà tước đoạt đi quyền của một chủ thể khác là điều không phù hợp, đi ngược lại với tinh thần của pháp luật về bảo vệ quyền tác giả của Công ước Berne và pháp luật Việt Nam.
Tranh chấp trong vụ án này cũng là bài học cho nhiều công ty, đơn vị và cá nhân liên quan đến sở hữu trí tuệ. Theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu (Văn phòng Luật sư Hiếu và Cộng sự), trước khi hợp tác, chủ sở hữu và người lao động cần ký một thỏa thuận riêng. “Thỏa thuận này sẽ dành trong trường hợp bên chủ sở hữu có nhu cầu thay đổi một số chi tiết, được thay đổi bao nhiêu phần trăm để có thể tiếp tục khai thác tác phẩm. Ngược lại, tác giả được hưởng bao nhiêu phần trăm quyền lợi trong việc khai thác đó. Chính vì không có bản thỏa thuận như vậy nên tác phẩm bị “chết”, không được làm gì thêm giống như tranh chấp giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị”, luật sư Hiếu bày tỏ.