Động thái này cho thấy quyết tâm theo đuổi lĩnh vực công nghệ cao của UAE. Ngay sau đó, tại Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai, chính phủ Saudi Arabia đã công bố quyết định gây kinh ngạc thế giới và trở thành quốc gia đầu tiên cấp quyền công dân cho robot mang tên Sophia.
Sophia là robot của công ty Mỹ Hanson Robotics. Trang bị trí tuệ nhân tạo, Sophia có thể giao tiếp với con người và tự học hỏi để nâng cao trí thông minh. Robot Sophia từng thu hút sự chú ý của thế giới khi tham dự hội nghị tại Liên hiệp quốc.
Saudi Arabia hiện là quốc gia có nguồn vốn đầu tư khổng lồ mang tên Quỹ Đầu tư chung (PIF) với hơn 200 tỷ USD cho lĩnh vực phát triển công nghệ và phát minh. Việc cấp quyền công dân cho cả robot như một lời khẳng định thông điệp đầu tư tương lai, hứa hẹn rằng đây sẽ là vùng đất hứa cho các robot khác.
Không những thế, Sophia còn thu hút sự chú ý của mọi người khi thường xuyên được mời đến các chương trình để nói chuyện như chương trình chào buổi sáng ở Anh, phỏng vấn trên CNBC hay xuất hiện trên bìa tạp chí ELLE Magazine chẳng khác gì một người nổi tiếng.
Sophia là robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân. Nguồn: CNBC
Con người và robot cùng nhau chung sống bình đẳng hay hợp tác với nhau là một viễn cảnh tuyệt vời nhưng dường như đối với robot Sophia thì điều này có vẻ sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là sau khi cô nhận được quyền công dân và các đặc quyền khác.
Các cư dân mạng xã hội ở Saudi Arabia đang có nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng Sophia được hưởng nhiều đặc quyền hơn hàng triệu phụ nữ nước này. Nhiều người tức giận về việc robot Sophia có ngoại hình là một phụ nữ, nhưng không hề phải đeo mạng che mặt như hầu hết phụ nữ Saudi Arabia.
Tại nước này, phụ nữ bị buộc đội khăn trùm đầu hijab và mặc trang phục Abaya dài đến mắt cá chân. Họ chỉ được phép xuất hiện nơi công cộng khi có người giám hộ hợp pháp đi cùng, thường là anh em trai, bố, chú, bác hoặc chồng.
Theo BBC, trong khi Saudi Arabia hoan nghênh quyền công dân dành cho một robot mang dáng hình phụ nữ, quyền phụ nữ quốc gia này vẫn còn nhiều hạn chế, cư dân mạng đùa rằng Sophia rồi sẽ sớm phải có người giám hộ là nam giới và phải mang mạng che mặt.
Số khác cũng lưu ý rằng lao động nhập cư ở Saudi Arabia cũng không được hưởng nhiều quyền như robot Sophia. Nhà báo Murtaza Hussain cho rằng robot này đã được nhận quyền công dân còn sớm hơn cả những lao động nhập cư đã sống ở Saudi Arabia cả đời.
Đó mới chỉ là một trong những điều gây tranh cãi mà thôi, vì Sophia còn nhận được nhiều quyền lợi hơn thế, trong đó quan trọng nhất là quyền tự quyết. Sự phân biệt đối xử này cũng khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi: Sophia sẽ được coi là người, hay robot? Về nguyên tắc, khi được trao quyền công dân, Sophia sẽ có quyền lợi đi kèm trách nhiệm của một con người thực thụ. Nhưng nếu là như vậy, cô cũng phải chịu những quy định đối với phụ nữ Arab. Tuy nhiên, Sophia không bị áp dụng bất kỳ đạo luật nào. Dư luận cho rằng sẽ phải xây dựng hẳn một bộ luật riêng cho điều này.