Kỳ vọng từ giới khoa học
Trong bài đăng trên tạp chí Frontiers in Climate, các nhà khoa học cho biết, việc đưa sắt vào các vùng đại dương có ít sắt sẽ kích thích sự phát triển của thực vật phù du, đóng vai trò quan trọng trong việc cô lập CO2. Trước mắt, các chuyên gia từ tổ chức phi lợi nhuận đa quốc gia Exploring Ocean Iron Solutions (ExOIS) đã công bố những tính toán về lượng CO2 mà kỹ thuật này có thể thu được và tác động của nó đến hệ sinh thái biển. Họ hy vọng có thể bắt đầu thử nghiệm trên diện tích lên tới 10.000km2 đại dương ở Đông Bắc Thái Bình Dương, sớm nhất vào năm 2026.
Dự án phác thảo các hoạt động nghiên cứu chính gồm: nghiên cứu thực địa ở Thái Bình Dương; mô hình hóa tác động của OIF; thử nghiệm các phương pháp phân phối sắt khác nhau; phát triển các hệ thống giám sát lưu trữ carbon và các thay đổi sinh thái. Tác giả chính của nghiên cứu kiêm giám đốc điều hành ExOIS là Ken Buesseler cho biết: "Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập niên, cộng đồng khoa học biển nhiều quốc gia cùng nhau thống nhất một kế hoạch nghiên cứu cụ thể về sắt đại dương".
Từ những năm 1990 và 2000, đã có hàng chục thí nghiệm liên quan việc bổ sung sắt vào đại dương. OIF là kỹ thuật mà trong đó, một lượng nhỏ vi chất dinh dưỡng sắt được giải phóng lên bề mặt biển để kích thích sự phát triển của thực vật phù du. Sự phát triển nhanh chóng của phù du sẽ thu giữ CO2 thông qua quá trình quang hợp. Khi sinh vật phù du chết hoặc bị ăn, một phần CO2 đó chìm sâu xuống biển trong nhiều thế kỷ. Mặc dù khá nhiều sắt tự nhiên xâm nhập đại dương từ các nguồn như bụi do gió thổi hoặc tro núi lửa, nhưng kỹ thuật này nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình.
Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Pháp, Anh và Mỹ thực hiện năm 2023 phát hiện ra rằng, việc bổ sung 1-2 triệu tấn sắt vào đại dương mỗi năm có thể thu được tới 45 tỷ tấn CO2 vào năm 2100. Theo ông Paul Morris, giám đốc dự án của ExOIS, "do đại dương có khả năng lưu trữ CO2 rất lớn - lớn hơn 50 lần so với khí quyển và 15-20 lần so với các loại thực vật và đất trên cạn - nên cần cân nhắc đến việc tăng cường khả năng lưu trữ CO2 của đại dương".
Phản ứng từ nhiều phía
Dù có tiềm năng nhưng OIF đã bị cấm trên phạm vi quốc tế vì mục đích thương mại vào năm 2013 theo Nghị định thư London - một hiệp ước về ô nhiễm đại dương toàn cầu - sau phản ứng dữ dội của công chúng. Sự phản đối lên đến đỉnh điểm khi doanh nhân người Mỹ Russ George đổ 100 tấn bụi sắt xuống vùng biển ngoài khơi Canada với lý do để thúc đẩy đánh bắt cá hồi. Những người chỉ trích lo ngại rằng OIF có thể có những tác động tiêu cực chưa lường hết đối với đại dương, chẳng hạn sắt số lượng lớn sẽ dẫn đến cái gọi là “vùng chết” nơi tảo nở hoa tiêu thụ hết oxy trong nước, giết chết các sinh vật biển khác. Sự nở hoa của thực vật phù du cũng có thể tiêu thụ chất dinh dưỡng khiến các sinh vật ở nơi khác bị thiếu hụt, gây mất cân bằng sinh thái. Mô hình trí tuệ nhân tạo cũng cho thấy OIF sẽ lấy đi 5% chất dinh dưỡng từ các sinh vật biển khác, bên cạnh ước tính mất 15% sinh khối biển do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Cộng đồng khoa học cũng kêu gọi mở rộng nghiên cứu, với hơn 400 nhà khoa học ủng hộ các nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn các kỹ thuật như OIF. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, triển khai OIF phải kết hợp với quản trị có trách nhiệm, được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả. Điều quan trọng là nghiên cứu về quá trình bón sắt cho đại dương phải được tiến hành với cam kết về tính toàn vẹn của môi trường và trách nhiệm đạo đức. Song song với các thử nghiệm thực địa giúp khám phá nhiều lợi ích từ OIF trong loại bỏ carbon, phải luôn cảnh giác với nguy cơ rằng các thử nghiệm này có thể gây ra hậu quả không mong muốn, đặc biệt đáng lo ngại ở những khu vực mà con người phụ thuộc nhiều vào tài nguyên biển.