Theo tờ New York Times, các đối tượng bị điều chỉnh bởi luật này bao gồm những người nhập cư bất hợp pháp, khách du lịch hoặc sinh viên ở quá hạn thị thực và thường trú nhân hợp pháp. Ngoài ra còn là những người nhập cư hợp pháp từ nhỏ phạm các tội nhẹ như sở hữu cần sa. Luật pháp Mỹ quy định chính phủ phải bắt giữ những người nhập cư bị kết án sau khi thực hiện xong bản án hình sự trong khi đợi tòa nhập cư ra phán quyết liệu có bị trục xuất hay không.
Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ đang gây ra nhiều tranh cãi. Ngay tỷ lệ bỏ phiếu thông qua là 5-4 cũng đã thể hiện việc không có sự đồng thuận cao trong phán quyết của tòa. Thẩm phán Stephen G.Breyer cho rằng phán quyết đã vi phạm nghiêm trọng các giá trị cơ bản của Mỹ. “Thực sự nghiêm trọng khi chính phủ giờ được trao quyền giam giữ những người phạm tội nhẹ từ nhiều năm trước. Họ còn có quyền được giữ người trong nhiều tháng mà không cho họ được tại ngoại”, ông Breyer nói. Bà Cecillia Wang, luật sư thuộc Liên đoàn tự do dân sự Mỹ, đại diện cho những người nhập cư phản đối điều luật trên, cho rằng quyết định của Tòa án tối cao Mỹ là “một phần của xu hướng đáng lo ngại”. Theo đó, tòa đã tán thành với cách cực đoan nhất của đạo luật giam giữ người nhập cư, cho phép tống giam họ mà không cần xét xử, trong khi đó họ được quyền bảo vệ mình trước những cáo buộc về trục xuất.
Những bất đồng xoay quanh phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ có liên quan đến một đạo luật được ban hành vào năm 1996, trong đó bao gồm một cụm từ gây tranh cãi. Đạo luật này quy định các cơ quan liên bang có thẩm quyền sẽ bắt giam bất cứ người ngoại quốc nào bị kết án về một số tội nhất định (nghiêm trọng và nhẹ) khi họ được thả. Mấu chốt nằm ở từ “khi”. Những người ủng hộ quyền của người nhập cư diễn giải rằng đạo luật trên chỉ yêu cầu tạm giam. Trong khi đó, những luật sư của chính phủ liên bang cho rằng những người nhập cư phạm tội bị kết án có thể bị giam giữ kể cả nhiều năm sau khi mãn hạn tù. Ngoài ra, việc những người chịu sự điều chỉnh của luật trên bị giam giữ, không được tại ngoại để xem xét liệu họ có bị nguy hiểm, có nguy cơ bị trục xuất hay không cũng bị phản đối gay gắt vì vi phạm nhân quyền.
Thẩm phán Brett M.Kavanaugh, người ủng hộ phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ, cho rằng chẳng có gì phải bàn cãi khi chính phủ trục xuất người nhập cư bị kết án bởi tội danh nào đó được giam giữ họ trong quá trình tố tụng trục xuất. Theo ông Kavanaugh, việc bắt ngay sau khi người nhập cư mãn hạn tù hoặc sau nhiều năm cũng không có gì bất hợp lý. Thẩm phán Breyer đã phản bác lại ý kiến này vì “như vậy, theo quan điểm của chính phủ, một người nhập cư bị giam giữ không có phiên điều trần có thể được thả từ nhiều năm trước, được lập gia đình và sinh sống bình thường ở các cộng đồng dân cư; rồi sau đó họ có thể bị giam giữ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không biết có được trả tự do hay không”...
Những tranh cãi sẽ còn tiếp diễn, chưa thể có hồi kết nhưng chắc chắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rất hài lòng với phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ trong bối cảnh chính quyền của ông Trump đang theo đuổi chính sách nhập cư cứng rắn