Bước đầu tiên sẽ thành lập một ủy ban gồm nhiều chuyên gia quốc tế vào năm 2020 để soạn thảo dự thảo công ước.
Điểm mới
Theo Reuters, các chuyên gia trong ủy ban được thành lập này sẽ làm việc nhằm thiết lập “một công ước quốc tế toàn diện” về việc chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích tội phạm. Mỹ cùng một số đồng minh và các nhóm nhân quyền châu Âu lo ngại công ước mới có khả năng ảnh hưởng tới vấn đề nhân quyền.
Một số quốc gia đã có các biện pháp tác động lên Internet, chẳng hạn Ấn Độ đã ngắt quyền truy cập ở Kashmir vào tháng 8 sau khi họ bỏ quyền tự trị đối với khu vực này và Iran cũng ngắt Internet khi xảy ra các cuộc biểu tình vào tháng 11.
Phía Mỹ cho rằng, bất kỳ công ước mới nào của LHQ nêu ra các biện pháp kiểm soát Internet sẽ “đi ngược với lợi ích của Mỹ bởi vì điều đó không phù hợp với các quyền tự do cơ bản mà chúng ta thấy là cần thiết trên toàn cầu”.
Mỹ lập luận rằng, thế giới nên mở rộng thỏa thuận duy nhất về tội phạm mạng, đó là Công ước Budapest năm 2001, ra đời nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế để hạn chế vi phạm bản quyền, lừa đảo và khiêu dâm trẻ em. Tuy nhiên, Nga phản đối Công ước Budapest và cho rằng, việc cho phép các nhà điều tra truy cập dữ liệu máy tính xuyên biên giới là vi phạm chủ quyền quốc gia.
Công ước Budapest do Hội đồng châu Âu soạn thảo nhưng các quốc gia khác đã tham gia, trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản. Một công ước mới của LHQ về tội phạm mạng có thể khiến Công ước Budapest trở nên lỗi thời.
Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Cherith Norman Chalet tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu rằng nghị quyết sẽ phá hoại hợp tác quốc tế để chống lại tội phạm mạng tại thời điểm tăng cường phối hợp là điều cần thiết.
Sự cấp thiết
Theo Bộ Ngoại giao Nga, nghị quyết trên thực tế đã khẳng định chủ quyền của các quốc gia đối với không gian mạng của họ. Theo Sputnik, an ninh mạng đã và đang là một trong những mối quan tâm lớn đối với các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Cả Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc nhau thực hiện các cuộc tấn công mạng có chủ ý vào hai nước.
Trong năm 2019, Nga đã có bước đi táo bạo nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Internet mà nước này cho là do Mỹ thao túng. Ngày 1-11, Nga công bố một đạo luật mới nghiêm ngặt áp dụng phiên bản riêng độc lập với chuẩn World Wide Web của Mỹ và thay thế bằng Internet nội địa được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Moscow cũng đề phòng khả năng bị cô lập khỏi các luồng thông tin toàn cầu hay can thiệp vào thương mại, thậm chí có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn của hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Nga cho rằng, cộng đồng quốc tế cần một cơ sở pháp lý thống nhất để chống lại tội phạm mạng gia tăng trong bối cảnh thế giới đón nhận những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ. Theo dự báo, các hành vi phạm tội này có thể gây ra thiệt hại tới 3.000 tỷ USD trong năm 2020, vượt quá tổng thu nhập nhận được từ Internet.
Vẫn theo Nga, rõ ràng giải quyết tội phạm thông tin đòi hỏi các cơ chế pháp lý quốc tế hiệu quả. Thật không may, cộng đồng quốc tế vẫn chưa phát triển cách tiếp cận thống nhất để đối phó với các vấn đề này.