Trước thềm Đại hội của Liên minh Bảo tồn tự nhiên thế giới (IUCN), khai mạc tại Pháp ngày 3-9, vấn đề được quan tâm nhất là làm sao để giảm thiểu sự tàn phá mà con người gây ra đối với môi trường. Một ý tưởng được đánh giá cao là định giá kinh tế cho thiên nhiên.
Theo bà Nathalie Girouard, chuyên gia về chính sách môi trường tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), con người đang tập trung vào tăng trưởng kinh tế bất chấp việc tàn phá thiên nhiên, đẩy các hệ sinh thái đến chỗ bị hủy hoại. Chính vì vậy, việc định giá kinh tế cho thiên nhiên là cách duy nhất để các nhà hoạch định chính sách tìm được tiếng nói chung trong việc hạn chế khai thác tài nguyên, bảo vệ sự sống trên Trái đất. Định giá bằng tiền cho thiên nhiên đồng nghĩa với việc hủy hoại các nguồn tài nguyên, như không khí hay nước, không chỉ là nguy cơ sinh tồn mà còn là vấn đề tài chính. “Của đau, con xót” đo đếm được thì ý thức con người trong bảo vệ thiên nhiên sẽ được nâng cao.
Tuy nhiên, hiện các chuyên gia đang chia rẽ về việc làm thế nào quy đổi giá trị của thiên nhiên thành tiền. Bà Mary Ruckelshaus, người đứng đầu Dự án Tài chính thiên nhiên tại Đại học Stanford (Mỹ), thừa nhận đây là một vấn đề rất phức tạp. Bà đưa ra ví dụ về công việc ở Belize, nơi người dân bản địa, ngư dân và các nhà phát triển bất động sản cùng tham gia định giá các khu rừng đước nhưng có nhiều ý kiến rất khác nhau. Một số người định giá theo khả năng các khu rừng này ngăn bão lũ, trong khi những người khác muốn những khu nuôi trồng thủy sản hoặc các bãi biển phủ cát thay thế. Bà Ruckelshaus cho biết: “Rừng đước bảo vệ vùng bờ biển, các cộng đồng dân cư khi nước biển dâng và khi xảy ra bão lũ…
Một “dịch vụ sinh thái” như vậy đáng giá triệu USD, có thể là hàng tỷ USD”. Tuy nhiên, bà cho rằng những con số đó không phải lúc nào cũng phản ánh đúng mức việc hủy hoại một nguồn tài nguyên. Bà nhấn mạnh: “Giá trị văn hóa của rừng đước đối với cộng đồng bản địa ở Belize là gì? Là vô giá”. Bà Ruckelshaus cho rằng cách tốt nhất để định giá các hệ sinh thái là đưa tất cả các bên liên quan cùng ngồi vào bàn thảo luận.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khoảng 44.000 tỷ USD giá trị kinh tế hàng năm (hơn một nửa GDP toàn cầu) phụ thuộc vào thiên nhiên. Những người đề xướng ý tưởng định giá thiên nhiên muốn đưa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào việc tính toán của cải của một đất nước. Chuyên gia Girouard cho rằng đây là bước đầu tiên để đưa đa dạng sinh thái vào các kế hoạch và chiến lược quốc gia, tạo ra sự thay đổi thực sự nhờ các mục tiêu và chỉ dẫn rõ ràng.
Tuy nhiên, khái niệm này vẫn gây tranh cãi. Năm 2018, nhà văn và nhà bảo vệ môi trường người Anh George Monbiot đã phản đối ý tưởng mà ông cho là dẫn tới cách nghĩ thiên nhiên không có giá trị gì trừ phi người ta kiếm được tiền từ nó. Về phần mình, nhà môi trường học người Pháp và là thành viên Nghị viện châu Âu Aurore Lalucq ví von: “Chúng ta không cần định giá đàn ong. Cái chúng ta cần là cấm sử dụng các loại thuốc trừ sâu làm chết ong”. Bà Lalucq khẳng định rằng luật pháp, chứ không phải sáng kiến tài chính, là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ các hệ sinh thái hiện nay; đồng thời nhấn mạnh các chính phủ cần quản lý và đầu tư vào hạ tầng xanh, đa dạng sinh thái. Trong khi đó, bà Ruckelshaus thừa nhận hệ thống giá trị tiền tệ có những hạn chế và sự quản lý của các chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng. “Định giá thiên nhiên mang đến cho mọi người cùng một thông điệp nhưng không đảm bảo rằng mọi người đều quyết định bảo vệ thiên nhiên”, bà Ruckelshaus nói.