Thưởng thức dâu miễn phí tại vườn
Theo chân các anh ở trạm khuyến nông huyện Tân Châu, chúng tôi đến thăm trang trại dâu tằm Ba Phong (ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Trang trại có diện tích khoảng 5ha, nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng mía xanh tốt và khuất trong khu dân cư. Chủ của trang trại là ông Nguyễn Thượng Vũ (SN 1968) cho biết, ông quê gốc An Giang, năm 1978 gia đình ông đi kinh tế mới lên Tân Châu, bắt đầu quá trình lập nghiệp. Ban đầu, gia đình khai hoang trồng lúa, bắp; sau đó thì vào nông trường K48 trồng mía, đến năm 1985-1986, nông trường giải thể, gia đình chuyển sang lập vườn cây ăn trái trồng mãng cầu là chủ lực; khoảng 7-8 năm sau thì lại chuyển sang trồng cao su khi giá mủ tăng kỷ lục, trên dưới 100 triệu đồng/ tấn. Nhưng cách đây 4 năm thì ông Vũ quyết định bỏ cao su khi giá mủ xuống quá thấp và cải tạo đất, chuyển sang trồng dâu tằm theo mô hình nông nghiệp của Nhật Bản.
Ông Vũ tập trung phục hồi, xử lý dinh dưỡng cho đất, cân bằng độ PH của đất đạt khoảng 6,5 và phục hồi giống dâu tằm bản địa từ những cây dâu tằm bản địa cổ thụ có trong vườn nhà. Ông Vũ tâm sự: “Loại cây dâu tằm này cho trái quanh năm, mỗi ngày cho khoảng 80kg trái, bình quân sản lượng hơn 20 tấn/ năm; cứ mờ sáng là thu hái cho đến khoảng 9-10 giờ cho trái được tươi, xong được đóng gói chở đi các nơi. Với giá bán tại vườn hiện là 40.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, công hái, tôi còn lời được một nửa”. Nhưng hiệu quả của vườn dâu không nằm ở bán tươi mà nhờ chế biến (chiếm 60% sản lượng) ra nhiều sản phẩm khác nhau như rượu vang dâu, mật dâu, dâu sấy khô…
Ông Vũ hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn dâu được trồng ngay hàng thẳng lối và có thể tận tay hái những trái dâu chín mọng để thưởng thức sự tươi ngon, ngọt thanh của trái dâu. Ông Vũ cho biết, khách đến trang trại được thưởng thức dâu tươi miễn phí tại chỗ và chỉ phải trả tiền khi mua sản phẩm dâu tươi hay các sản phẩm dâu chế biến.
Điểm đến du lịch canh nông
Trong lúc nếm thử 1 ly rượu vang dâu, chúng tôi hỏi thêm ông Vũ về cách thức chế biến loại đặc sản này và được ông giải thích tận tình. Ông Vũ nhập men vang dâu của Đài Loan về tự làm, sau 1 năm thì có thể uống được, “nhưng từ 3 năm trở lên thì uống sẽ ngon hơn khi sản phẩm cho vị thơm, nồng ở khoảng 10-12 độ cồn”. Với sản phẩm dâu sấy khô cũng được ông tìm tòi, nghiên cứu đặt hàng máy móc để dâu giữ được màu sắc như khi còn tươi. Cứ 7kg dâu tươi thì cho ra 1kg dâu sấy khô; dâu được sấy ở nhiệt độ từ 60-700 C trong khoảng 16-18 giờ. Hiện đây là dòng sản phẩm chủ lực của trang trại và được bán ở nhiều địa phương trong nước.
Ngoài dâu tằm là sản phẩm chủ lực thì trang trại của ông Nguyễn Thượng Vũ còn trồng thêm sầu riêng và bưởi, cũng đều được canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Phân bón hữu cơ được nhập về từ Tây Ban Nha, ông Vũ tự ủ; phân vi sinh được nhập từ Mỹ qua một công ty ở huyện Bình Chánh (TPHCM). Từ vốn kiến thức học được ở Trường Đại học Nông lâm TPHCM (ông Vũ tốt nghiệp năm 2002) và kinh nghiệm 15 năm làm việc với người Nhật (qua nhiều công việc khác nhau từ làm ở cáp treo, công ty mía đường đến Tập đoàn Dệt may Thái Tuấn) đã giúp ông rút tỉa được nhiều bài học để tự tin trên con đường đã chọn.
Từ năm 2022, ông Vũ bắt đầu kết hợp làm du lịch canh nông thông qua việc phối hợp, liên kết với ngành nông nghiệp ở địa phương. Vào thứ 7, chủ nhật hoặc những dịp lễ, tết, du khách tìm đến trang trại dâu khá đông. Ngoài lượng khách ở các địa phương trong tỉnh, trang trại của ông Nguyễn Thượng Vũ còn có cả khách nước ngoài, nhất là khách Trung Quốc - phần lớn là giới doanh nhân đang đầu tư làm ăn ở Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận.
Theo anh Dương Thanh Phương, Trưởng trạm khuyến nông huyện Tân Châu, trang trại dâu tằm Ba Phong là mô hình ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, vừa là cây nông nghiệp vừa là cây dược liệu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng tại địa phương, qua đó giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân đồng thời là điểm du lịch trải nghiệm hữu ích và rất được các trường học trên địa bàn quan tâm đưa vào chương trình tham quan ngoại khóa cho học sinh.
Với lượng khách du lịch đến với Tây Ninh ngày càng tăng mạnh, đạt con số 5,1 triệu lượt người trong năm 2023, thực tế rất cần có thêm những điểm đến như trang trại Ba Phong để tăng trải nghiệm, sản phẩm du lịch, dịch vụ, tạo thêm sức hấp dẫn và góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến với Tây Ninh.