![Do bỏ hoang nhiều năm, tường rào của trại chăn nuôi Hòa Phong hoen gỉ theo thời gian](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/sengtm/2025_02_08/h4a-5966-1270.jpg.webp)
Trại chăn nuôi Hòa Phong (trước đây là Trại chăn nuôi Nhơn Sơn) hoang vắng bóng người. Do nơi đây bỏ hoang lâu ngày nên cây cối, cỏ dại mọc um tùm dọc lối đi vào khu bên trong. Những ngôi nhà làm việc, trại chăn nuôi nay trở thành nơi chứa rác. Cả khu chăn nuôi rộng thênh thang chỉ có vài con chó được nuôi để trông coi khu này. Tường rào bị hoen gỉ, xuống cấp. Một số mái tôn đã bong tróc. Tường nhà hoen ố, loang lổ và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.
Trại chăn nuôi Hòa Phong được thành lập vào năm 2003, trực thuộc Sở Thủy sản Nông lâm TP Đà Nẵng, trên tổng diện tích 12.850m2, trong đó 3.271,3m2 là nhà làm việc, chuồng trại và các công trình phụ trợ khác.
Ông Mai Tấn Triển, Trưởng trại chăn nuôi Hòa Phong, cho biết, thực tế trại chăn nuôi chỉ hoạt động khoảng 5 năm, đến năm 2008 thì dừng lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trại đã khấu hao tài sản gần hết và hiện xuống cấp trầm trọng. Tổng giá trị còn lại của trại đến hết năm 2011 là hơn 5 triệu đồng.
Sau khi bàn giao cho Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, từ năm 2013 đến năm 2019, đơn vị tìm hướng để hoạt động nhưng do nhiều nguyên nhân nên kết quả hoạt động không ổn định. Năm 2019, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng giao trại này cho cá nhân ông Triển đầu tư xây dựng cơ bản về xây lắp, sửa chữa công trình phụ trợ để chăn nuôi bò thịt vỗ béo 3B, với quy mô 100 con bò thịt/năm. Đến nay, dự án này vẫn dở dang.
Ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), thông tin, cơ sở này trước đây do Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng sử dụng với mục đích chăn nuôi, nhưng mục đích này hiện không còn phù hợp do xung quanh cơ sở là khu dân cư, việc tổ chức chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân.
Việc bỏ hoang diện tích lớn như hiện nay là lãng phí, trong khi nhu cầu của các hộ dân địa phương là có một nơi sản xuất nông nghiệp tập trung (như sản xuất nấm, làm bánh tráng Túy Loan) lại không có đất để thực hiện… Hiện những hộ dân này đang xây dựng các sản phẩm OCOP, nhưng do cơ sở sản xuất nằm ở vùng trũng nên dễ bị ngập lụt vào mùa mưa.
“Theo quy hoạch nông thôn mới của xã Hòa Phong thì khu vực này phù hợp để phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm đặc trưng OCOP do có lợi thế nằm ở khu vực bằng phẳng, cao ráo và giáp với đường DH5, quốc lộ 14B; vì vậy định hướng của huyện là quy hoạch thành khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, diện tích đất cũng như cơ sở thì Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng đang quản lý nhưng lại giao cho cá nhân sử dụng và bỏ hoang phí. UBND xã Hòa Phong mong muốn Nhà nước thu hồi diện tích này và bàn giao lại cho xã quản lý nhằm triển khai các hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP, tránh lãng phí”, ông Thành cho hay.