Trắng tay sau “đại hồng thủy”

Ngày 22-10, lũ đã rút ở hầu hết địa phương từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh, nhiều làng mạc lộ dạng với cảnh tượng tiêu điều, xơ xác sau gần 1 tuần bị nhấn chìm trong biển nước. Rất nhiều gia đình đã trắng tay bởi tất cả tài sản, lúa gạo, vật nuôi… bị nước lũ cuốn trôi. Cuộc sống của đồng bào miền Trung sẽ vô cùng khốn khó trong những ngày tới.

Tan hoang
Dọc đường cắt lũ cứu trợ cho người dân xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong ngày 22-10, chúng tôi ghi nhận nhiều ngôi nhà đã lộ dạng khỏi dòng nước bạc. Xác gia súc - gia cầm, đồ đạc, vật dụng của người dân nổi lềnh bềnh, mục rã. Một số nơi, người dân bắt đầu dọn dẹp lau rửa, phơi khô quần áo, giường tủ…

Sau lũ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Liễu (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) trở về nhà nhưng tất cả tài sản đã bị cuốn trôi. Ảnh: MINH PHONG
Ngôi nhà của ông Lê Văn Khoái (66 tuổi, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) đã rạn nứt nhiều vị trí. Ông Khoái cho biết: “Lũ bắt đầu rút, nhưng đến giờ nhà vẫn còn ngập gần 1,5m. Lũ ngâm dài ngày khiến ngôi nhà cũ vốn đã xuống cấp nay bị hư hỏng nhiều hơn. Toàn bộ tài sản của gia đình bị nước cuốn trôi, giờ chỉ còn cái xác nhà. Nếu bão lũ tiếp tục đổ bộ chắc cái xác nhà cũng trôi luôn”. Tại rốn lũ Mai Hạ (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy), ông Mai Văn Hưởng buồn bã kể: “Lũ về cuốn trôi hết khu trang trại cung ứng giống gia súc, gia cầm của gia đình, thiệt hại hơn 200 triệu đồng, coi như trắng tay”.


Ngược ra vùng “rốn lũ” huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), chúng tôi đến thăm bà Hoàng Thị Là (thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh) khi biết hoàn cảnh gia đình bà thật éo le. Lũ vừa rút thì chồng bà (cụ Lê Văn Thống, 85 tuổi) bất ngờ qua đời khi nằm tránh lũ trên gác áp mái nhà. Căn nhà ông bà ở hiện không an toàn để làm đám tang, phải đặt quan tài ông ở nhà đứa cháu. Nước mắt bà Là cứ tuôn trào: “Chồng mất mà bi đát quá, lũ lên không chạy kịp, chỉ cõng ông lên gác nhà, trở xuống thì nước cuốn trôi thóc lúa, lợn gà. Mấy bữa lũ lớn, nhà sâu trong ngõ nên chẳng đoàn cứu trợ nào vào được, chỉ xin được thức ăn, nước uống từ hàng xóm để cầm cự qua ngày. Ông đau ốm mà ăn uống không đủ nên kiệt sức rồi qua đời. Ông mất, giờ nước vẫn còn ngập sâu nên hình để thờ ông cũng không có”.

Cách đó không xa, thôn Hàm Hòa (xã Hàm Ninh), nước lũ vẫn còn mênh mông. Sốt ruột sau nửa tháng chạy lũ, bà Nguyễn Thị Hiệt trở về nhà (rộng 15m²). Trước mắt bà là cảnh tan hoang, đổ nát. Áo quần, chăn màn và cái giường duy nhất để ngã lưng… phủ đầy bùn đất. Lần mò dưới sân nhà còn ngập nước với hy vọng tìm kiếm được những vật dụng còn sót, bà Hiệt vớt lên được hộp tương ớt. Bà Hiệt lo lắng: “Tài sản có giá trị đã bị trôi hết, những ngày tới chẳng biết lấy gì để sống”.

Không được để dân đói, rét sau lũ

Ngày 22-10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ, thăm và động viên nhân dân huyện Hải Lăng, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, đây là trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước những mất mát, đau thương vô cùng to lớn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất và sẻ chia những âu lo đến gia đình có người đang bị mất tích và thân nhân các gia đình người bị nạn. “Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tập trung bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, ổn định đời sống, không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở. Tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường”, đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý.

Báo cáo với đoàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 2.000 tấn gạo để phát cho nhân dân; Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế hỗ trợ các loại cây trồng và con giống, các loại thuốc tiêu độc khử trùng… để nhân dân sớm khôi phục cuộc sống, đưa các con em tới trường; đề nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, đê điều… hư hỏng.

Chiều 22-10, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến thăm hỏi bà con bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ kéo dài tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế); tặng đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ tại 2 huyện, mỗi huyện 200 triệu đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chuyển phần quà 100 triệu đồng của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho Quỹ Khuyến học huyện Phong Điền.

Cùng ngày, tại phường Hương Sơ, TP Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tặng 20 suất quà (25 triệu đồng/suất) cho các hộ nghèo thuộc Dự án di dời dân cư khu vực I di tích kinh thành Huế và tặng một số nhu yếu phẩm, động viên các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các trận bão lũ vừa qua. Công đoàn Văn phòng Quốc hội cũng hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng do mưa lũ số tiền 50 triệu đồng.

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu địa phương tổ chức tiếp nhận cứu trợ phải vừa đảm bảo đến tay người dân, vừa an toàn cho người đi cứu trợ; nhanh chóng có kế hoạch khắc phục, giúp nhân dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các biện pháp ứng phó với bão số 8. Ngày 22-10, nhằm giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, tỉnh Quảng Bình đã trích ngân sách 100 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp các gia đình bị ngập lũ (1 triệu đồng/gia đình).

Trực thăng thả hàng cứu trợ cho xã Hướng Việt
Vào lúc 15 giờ 30 ngày 22-10, trực thăng Bộ Quốc phòng đã thả 1,5 tấn hàng cứu trợ cho người dân tại xã Hướng Việt. Cùng ngày, một tổ công tác 17 người gồm lãnh đạo, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hướng Phùng và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hướng Hóa đã theo đường rừng đi bộ vào xã Hướng Việt. Tổ công tác này gùi theo thuốc và các vật tư thiết yếu để khi tiếp cận được xã Hướng Việt sẽ phục vụ việc khám chữa bệnh, chống dịch bệnh sau mưa lũ. Huyện Hướng Hóa cũng điều 10 xe bán tải chở hàng hóa, nhu yếu phẩm đi ra tỉnh Quảng Bình, lên đường Hồ Chí Minh để tiếp cận xã Hướng Lập và Hướng Việt, tiếp ứng lương thực thực phẩm cho người dân.

Tin cùng chuyên mục