Nhân kỷ niệm ngày 23 tháng 9 năm 1945

Trang sử vẻ vang của thành phố anh hùng

Trang sử vẻ vang của thành phố anh hùng

Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và nhân dân thành phố ta đã phải đương đầu với tình huống vô cùng khó khăn phức tạp. Thực dân Pháp rắp tâm giành lại Đông Dương, mở đầu là chiếm lại Sài Gòn. Mưu đồ của thực dân Pháp lại được Chính phủ Mỹ ngầm tiếp sức và được Chính phủ Anh ủng hộ. Là lực lượng Đồng Minh vào Nam Việt Nam để tước vũ khí quân phát xít Nhật, nhưng quân Anh lại sử dụng quân Nhật để đánh phá cách mạng Việt Nam.

Trang sử vẻ vang của thành phố anh hùng ảnh 1

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23-9-1945). Ảnh: Tư liệu

Ngày 24-8-1945, trong lúc cuộc khởi nghĩa của dân ta đang diễn ra ở Sài Gòn, đại tá Cédille, ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam Đông dương được máy bay không quân Anh cho nhảy dù xuống Hớn Quản (Tây Ninh) bị tự vệ ta bắt, nhưng quân Nhật can thiệp, ta đã thả ra. Cédille đã móc nối với số kiều dân Pháp và đội tiền trạm của quân Anh đến Sài Gòn.

Ngày 2-9-1945, bọn địch nổ súng bắn vào cuộc biểu tình của nhân dân ta. Ta chống trả, 7 người Pháp bị thiệt mạng và gần 1.000 người Pháp bị ta bắt, nhưng để tránh căng thẳng ta đã thả ngay trong đêm 2-9-1945.

Từ 4-9-1945 đến 8-9-1945, quân Anh lần lượt đến Sài Gòn. Bám theo là những đơn vị bộ binh và xe thiết giáp thuộc quân đội viễn chinh Pháp. Gracey, Tư lệnh Sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh, trưởng phái bộ quân Đồng Minh khi đến Sài Gòn đã hạ lệnh cho viên tư lệnh quân đội Nhật điều động 7 tiểu đoàn Nhật từ các nơi về Sài Gòn làm nhiệm vụ giữ trật tự trong thành phố.

Gracey cũng buộc Nhật phải thả 17.000 binh lính và sĩ quan Pháp, trong đó có tướng Mordant, bị quân Nhật bắt giam trong cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 (Mordant từng được De Gaulle chỉ định làm Tổng đại diện của Chính phủ Pháp ở Đông Dương ngày 12-9-1944).

Ngày 10-9-1945, quân Anh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam bộ (Dinh Thống đốc Nam kỳ cũ).

Ngày 11-9-1945, quân Pháp thay quân Nhật canh gác một số nơi.

Ngày 13-9-1945, Pháp làm lễ kéo cờ tam tài lên dinh Toàn quyền cũ nhưng bị  nhân dân ta bao vây ngăn chặn.

Ngày 14-9-1945, Gracey ra lệnh tước vũ khí lực lượng vũ trang cách mạng. Tiếp đó ra lệnh giới nghiêm ban đêm, đình bản các báo xuất bản ở thành phố, buộc ta giao cho quân Anh quản lý các cảng, các kho bom đạn và xưởng Ba Son mà ta đã chiếm được sau ngày khởi nghĩa. Quân Anh cũng giao cho quân Pháp kho vũ khí mà quân phát xít Nhật đã nộp cho Đồng Minh.

Ngày 19-9-1945, quân Anh để cho Cédille đại diện Cộng hòa Pháp tuyên bố là Việt Minh không đại diện được cho nhân dân Việt Nam, do đó phải có một chính phủ do Pháp lập ra để thực hiện quyền tự trị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và phản ánh quyền lợi của nước Pháp theo tinh thần bản Tuyên bố ngày 24-3-1945 của tướng De Gaulle.

Ngày 20-9 Gracey buộc ta trả các bót cảnh sát và rút các lực lượng vũ trang của ta ra khỏi Sài Gòn và tuyên bố thiết quân luật, bố trí quân Anh thay quân Nhật canh giữ các nơi. Sau đó chuyển giao lại cho quân Pháp.

Lúc này, đại quân Pháp từ chính quốc do viên đại tướng Leclerc chỉ huy cũng kéo đến Sài Gòn.

0 giờ ngày 23-9-1945, trong trang phục quân Hoàng gia Anh, giặc Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban  Nhân dân Nam bộ và một số cơ quan khác: Sở cảnh sát, trụ sở quốc gia tự  vệ cuộc, đài phát thanh, nhà bưu điện, ngân hàng, nhà tù Khám lớn…

Như vậy là giặc Pháp không còn hoạt động khiêu khích nữa mà đã thực sự bắt đầu cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam.

Lập tức, sáng ngày 23-9-1945, Ủy ban kháng chiến Nam bộ được thành lập đã ra lời hiệu triệu, nhắc lại lời thề ngày 2-9 “Độc lập hay là chết” và kêu gọi toàn quân dân ta nắm chắc vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước!

Trước các hoạt động khiêu khích của địch, lòng căm thù giặc bị dồn nén, nay có lời kêu gọi nên cháy bùng lên như lửa được châm dầu.

Chỉ trong tuần lễ đầu, 138 xí nghiệp, công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu đường bị đốt phá. Gần 300 tên giặc bị giết.

Sau 8 ngày gây hấn, giặc Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở ở trung tâm thành phố, chỉ kiểm soát được một rẻo từ đường Nguyễn An Ninh đến chợ Bến  Thành ngược lên Tân Định. Thành phố không họp chợ, không buôn bán, không điện nước. Lương thực thực phẩm thiếu thốn. Viện binh chưa tới kịp. Bọn Việt gian tay sai lộ mặt bị trừng trị. Quân Pháp cố dựa vào quân Anh - Nhật để đánh lấn ra ngoài nhưng đều thất bại, lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Trước tình hình đó, thực dân Pháp yêu cầu Gracey làm trung gian xin thương lượng với Ủy ban kháng chiến Nam bộ trong ý đồ dùng kế hoãn binh, chờ quân tăng viện tới. Ta cũng cần thời gian để củng cố lực lượng chiến đấu nên thỏa thuận ngừng  bắn 1 tuần lễ để đàm phán.

Cuộc đàm phán bắt đầu ngày 2-10-1945. Đại diện phía Pháp là Cédille, trưởng đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, có tướng Gracey của Anh cùng tham dự. Cédille đòi ta chấp nhận bản tuyên bố ngày 24-3-1945 của De Gaulle. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đòi Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đình chỉ gây hấn và rút quân Pháp về các vị trí trước ngày 23-9-1945. Cédille yêu cầu kéo dài ngừng bắn thêm 48 giờ để xin ý kiến Chính phủ Pháp. Qua 3 lần đàm phán, phía Pháp vẫn tỏ ra ngoan cố, nên ta quyết định chấm dứt đàm phán.

Những ngày đầu tháng 10, lực lượng viện binh Pháp do tướng Leclerc chỉ huy, lần lượt đến Sài Gòn.

Ngày 10-10-1945 kết thúc đợt ngừng bắn, quân dân ta vẫn tiếp tục giữ thế bao vây quân địch trong nội thành.

Sau khi có viện binh, tướng Leclerc liên tiếp tổ chức các cuộc tiến công để phá vòng vây. Từ các chiến tuyến của bốn mặt trận, quân dân ta vừa ngăn chặn, bẻ gãy các cuộc tiến công giải vây của địch, vừa thực hiện các cuộc tập kích sâu vào các vị trí quân sự, các cơ sở kinh tế, các kho tàng của địch... sau đó nhanh chóng rút ra. Các trận đánh này đã gây cho địch khá nhiều tổn thất.

Đến ngày 23-10, tổng số quân Pháp tại Sài Gòn có đến 6.000, không kể quân Anh, Nhật. Chúng đã lần lượt chọc thủng các phòng tuyến bao quanh Sài Gòn của quân dân ta. Để bảo tồn lực lượng, quân ta đã chủ động rút ra khỏi thành phố đưa theo ra bưng những máy móc dụng cụ, tài liệu và lực lượng công nhân kỹ thuật chuẩn bị cho việc xây dựng nhà in và công binh xưởng để sản xuất vũ khí cho cuộc chiến đấu lâu dài. Một số người có điều kiện bám trụ, được bố trí ở lại hoạt động bí mật ở nội đô.

Ôn lại lịch sử, rõ ràng ngày 23-9-1945 là một ngày mang rất nhiều ý nghĩa. Đó là ngày mà quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có vinh dự được thể hiện khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam, đã bắn những loạt súng đầu tiên vào kẻ thù xâm lược.

Đó là ngày mở đầu cho một tháng mà quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã kềm được chân giặc tại thành phố để cho các tỉnh ở Nam bộ có thời gian chuẩn bị kháng chiến. Tuy thời gian ngắn ngủi, chỉ trong một tháng nhưng quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có sự lãnh đạo của Đảng đã bước đầu sáng tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân với lối đánh du kích ở đô thị, lại thể hiện được trí tuệ mưu lược vừa đánh vừa đàm phán, trong tư thế bình đẳng với kẻ thù, điều chưa từng có trong lịch sử trước đó của dân tộc ta.

Ngày 23-9-1945 là ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến ở Nam bộ, cũng là ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược lần thứ hai. Xét riêng về lịch sử kháng chiến của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định, mà cuộc chống giặc Pháp và giặc Mỹ gần như gắn liền nhau, thì ngày 23-9-1945 là ngày mở đầu cho một sự kết thúc vào ngày 30-4-1975, ngày hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong cả nước.

Trang sử về ngày 23-9-1945 đúng là một trang sử vàng, rất vẻ vang của thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.

Trần Trọng Tân

Tin cùng chuyên mục