Hai thiết kế còn lại, một tái hiện khung cảnh quen thuộc của phố cổ Hội An và một gợi nhớ hình ảnh nữ tướng đầy dũng mãnh. Ngay lập tức, lựa chọn này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng.
Khi bánh mì thay áo dài
Để gây ấn tượng tại các đấu trường nhan sắc quốc tế, đại diện các nước luôn chuẩn bị trang phục rất kỹ lưỡng, ngay cả các thiết kế dự tiệc hay tham gia các hoạt động bên lề đều phải chỉn chu và giúp họ tỏa sáng. Trong số đó, váy dạ hội và trang phục dân tộc là hai thiết kế quan trọng nhất. Bộ trang phục dân tộc mang nhiều ý nghĩa, khi khoác lên người những gì đại diện cho một quốc gia nên thường thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của khán giả.
Những người đẹp đại diện cho Việt Nam tại các cuộc thi hoa hậu trên thế giới cũng không là ngoại lệ. Tuy vậy, các thiết kế này đa phần đều được sáng tạo dựa trên những phom dáng quen thuộc như áo dài, áo tứ thân, trang phục Âu Lạc..., nhiều người cho rằng chưa có tính đột phá.
Thực ra, trong những cuộc thi sắc đẹp quốc tế gần đây, nhiều tranh cãi về trang phục truyền thống Việt Nam đã xuất hiện. Bên cạnh những ý kiến rằng trang phục truyền thống có nét bứt phá, sáng tạo và khéo léo kết hợp giữa cổ và kim, thì cũng có những ý kiến là những bộ trang phục như thế không nên được gọi là “trang phục truyền thống” hay “quốc phục”. Đơn cử, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới - Miss Universe 2016, đại diện Việt Nam là Á hậu Lệ Hằng cũng gây tranh cãi với bộ quốc phục mang tên “Nàng mây”. Không ít ý kiến rằng, “Nàng mây” dù công phu, ý tưởng độc đáo, sáng tạo nhưng lại quá rườm rà, chưa toát lên được nét đặc trưng, cái hồn của trang phục truyền thống Việt.
Trở lại với mẫu thiết kế “Bánh mì” vừa được chọn để đại diện Việt Nam tham dự Miss Universe 2018. Ngay từ khi được công bố trở thành 1 trong 6 mẫu thiết kế được đem ra để lựa chọn, “Bánh mì” đã tạo nên sự chú ý đặc biệt, vì đây là bộ trang phục dân tộc thi quốc tế đầu tiên lấy cảm hứng từ ẩm thực, lại là một món ăn dân dã, đường phố. Nhiều ý kiến khen “Bánh mì” khá sáng tạo và độc đáo. Tuy nhiên, không ít nhận xét, bộ trang phục trông hơi “rẻ tiền, hàng chợ” và có phần “dị dị”. Thậm chí còn có khán giả cho việc đưa hết các thiết kế lên trên bề mặt khiến “Bánh mì” trông giống thời trang tái chế hơn.
Và câu chuyện “cởi trói” cho sáng tạo
Trong lịch sử các cuộc thi nhan sắc có đại diện Việt Nam tham dự, trang phục Việt Nam mang đến cho phần thi “trang phục truyền thống” hay “quốc phục” đa số thường là áo dài, thi thoảng có sự xuất hiện của chiếc áo tứ thân. Những năm gần đây, trang phục truyền thống theo chân các người đẹp đến các cuộc thi quốc tế đã có thay đổi nhiều trong cách tư duy ý tưởng, mang đậm tính hình tượng. Thậm chí đó còn là những sản phẩm của những người trẻ chưa phải là nhà thiết kế chuyên nghiệp. Hình ảnh dân dã, gần gũi nhất với văn hóa, truyền thống Việt Nam đều được khai thác triệt để như: nón lá, nghệ thuật khảm sứ, quạt, họa tiết trống đồng, hay cả chùa Thiên Mụ, mây, tre…. để tạo làn gió mới.
Cho đến nay, những tranh cãi xung quanh việc nên chọn cái gì để làm quốc phục Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, đa phần ý kiến đều cho rằng, nếu để lựa chọn quốc phục ở Việt Nam, có thể gọi tên 3 loại trang phục, đó là: áo tứ thân, áo dài và áo bà ba (đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam). Tuy nhiên, dù muốn dù không, sự sáng tạo dựa trên nền của các trang phục này, nhất là áo dài đang ngày càng khó và dễ lặp lại. Sẽ đến một lúc nào đó, công chúng trong nước lẫn quốc tế sẽ ngán ngẩm với chiếc áo dài mà năm nào Việt Nam cũng ra mắt bạn bè trên thế giới. Thế nên, cần phải có một sự thay đổi quyết liệt trong những kiểu trang phục truyền thống.
“Trang phục truyền thống” là một phần thi khá quan trọng trong những cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Cũng đã có rất nhiều người đẹp giành được vị trí cao trong phần thi này bởi những bộ trang phục lấy ý tưởng từ một hình ảnh đặc trưng của đất nước họ, chứ không hẳn là cách tân quốc phục. Nhìn ra các nhan sắc thế giới, có thể nhận thấy đại diện của mỗi quốc gia thường chỉ chọn một hình ảnh tiêu biểu của đất nước để đưa vào trang phục. Chẳng hạn như tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, hoa hậu Thái Lan gây ấn tượng mạnh khi khoác lên mình chiếc váy lấy cảm hứng từ xe tuk tuk, hay đại diện Thái Lan giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu Liên lục địa 2017 với bộ đồ sầu riêng khổng lồ...
Nhiều ý kiến cho rằng, nên “cởi trói” khái niệm để mở bung mọi rào cản hạn chế sự sáng tạo. Bởi đa phần những tranh cãi là do các bộ trang phục bị ép vào khuôn “quốc phục”. Trong khi đó, nếu chỉ gọi là “trang phục dân tộc” thì mọi thứ sẽ khác đi rất nhiều. Khi đó, những trang phục như “Bánh mì”, “Nàng mây”… sẽ không bị “ném đá”.