Đúng 13 giờ hôm nay, 26-7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được long trọng tổ chức cùng lúc tại 3 địa điểm: Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TPHCM; quê nhà Tổng Bí thư ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang điều hành Lễ truy điệu.
Sau khi Quốc thiều cử xong, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Lễ tang đọc Điếu văn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; ôn lại thân thế, sự nghiệp và những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc; khẳng định trí tuệ, nhân cách, đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là với vai trò người đứng đầu Đảng, đất nước. Trong lời điếu do Chủ tịch nước Tô Lâm đọc có đoạn: “Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú.
Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, GS-TS Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Di sản vô giá đó đã củng cố niềm tin mãnh liệt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phong trào cộng sản trên thế giới, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay”…
Sau lời điếu văn của Chủ tịch nước Tô Lâm, tất cả đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Kết thúc Lễ truy điệu, đại diện gia đình, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế đã đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc, vào lúc 13 giờ 30, nghi thức di quan đã diễn ra ở Nhà tang lễ Quốc gia. Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng đội nghi lễ quân đội chuyển lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Nhà tang lễ Quốc gia ra cỗ linh xa.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, đúng 13 giờ 53 phút, cỗ linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời Nhà tang lễ Quốc gia, hướng về phía khu trung tâm Hà Nội, qua các tuyến đường, đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cỗ linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn xe tang di chuyển từ Nhà tang lễ Quốc gia tới Nghĩa trang Mai Dịch qua các tuyến đường: Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (đoạn từ Cửa Nam đến Trần Phú), Trần Phú, Sơn Tây (đoạn từ Trần Phú đến Kim Mã), Kim Mã, Đào Tấn (đoạn từ Kim Mã đến Liễu Giai), Liễu Giai (đoạn từ Đào Tấn đến Kim Mã), Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn từ Phạm Hùng đến Lê Quang Đạo), Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Trần Vỹ đến Nguyễn Cơ Thạch).
Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra lúc 15 giờ tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Vào lúc 14 giờ 48 phút, cỗ linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn xe tang về tới Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Đúng 15 giờ, Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra tại Nghĩa trang Mai Dịch; với sự tham dự của đông đảo các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cùng bạn bè quốc tế; đại diện các tổ chức, đoàn thể, tầng lớp nhân dân.
Sau khi linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yên vị trong huyệt mộ, phu nhân Ngô Thị Mận và con trai Nguyễn Trọng Trường, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tiến hành thả hoa và những nắm đất đầu tiên xuống huyệt mộ.
Sau khi đội nghi lễ thực hiện công tác hoàn thiện phần mộ; gia đình và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các đại biểu đã dành phút mặc niệm và đi quanh phần mộ, thắp nén hương tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi an nghỉ cuối cùng.
Tại Nghĩa trang Mai Dịch, phần mộ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm ở phía phải của Đài Tổ quốc ghi công; phía sau phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nằm gần phần mộ của cố GS-TS Nguyễn Đình Tứ.
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến trưa ngày 26-7, ở 3 điểm tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư (Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TPHCM; quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) có gần 6.000 đoàn đại biểu trong nước, đại diện cho các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, các tổ chức cá nhân trong nước và 100 đoàn đại biểu quốc tế; với tổng cộng khoảng 200.000 người đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có hơn 500.000 lượt người dân thực hiện truy cập, chia buồn qua sổ tang điện tử. Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao các nước và bạn bè, tổ chức quốc tế gửi thư, điện chia buồn cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.