Tại lễ giỗ, trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo huyện Nghi Xuân, các đại biểu và đông đảo nhân dân đã bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân, tưởng nhớ tới công lao to lớn của Uy Viễn tướng công - Danh nhân Nguyễn Công Trứ đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Danh nhân Nguyễn Công Trứ quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; thân mẫu là Nguyễn Thị Phan, con gái quan Quản nội thị tước Cảnh Nhạc Bá dưới triều vua Lê - chúa Trịnh. Ông mất ngày 14-11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7-12-1858), thọ 80 tuổi tại quê nhà làng Uy Viễn.
Trong gần 30 năm làm quan, Uy Viễn tướng công - Danh nhân Nguyễn Công Trứ để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…
Ông là người có công lớn giúp triều đình nhà Nguyễn ổn định đất nước, đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt có sáng kiến chiêu mộ dân binh lưu tán, đắp đê lấn biển, khai hoang lập ấp, biến vùng đất vốn ngập mặn, nghèo đói, lập nên các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), huyện Tiền Hải (Thái Bình).
Uy Viễn tướng công - Danh nhân Nguyễn Công Trứ nổi tiếng là người đa tài, lưu danh hậu thế với sự nghiệp văn chương đặc sắc, giàu giá trị nhân văn.
Ông là người đã có công làm cho hát nói trở thành một thể thơ hoàn chỉnh, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho nghệ thuật hát nói - ca trù của dân tộc Việt Nam.