Dưới ánh trăng đêm
Đúng 18 giờ, khi ánh trăng bắt đầu len qua từng mái tranh, kẽ lá, màn biểu diễn độc đáo “Trăng chiến khu” với sân khấu trải rộng một vùng trong Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi bắt đầu. Đêm diễn đưa du khách trở về thời của những người chiến sĩ anh hùng đất thép năm xưa bám đất để sống và chiến đấu, kiên cường đánh giặc bảo vệ quê hương.
“Nội, nội cho con đi tòng quân đi mà nội, con hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, lời năn nỉ của thiếu nữ 16 tuổi có ba má hy sinh ngoài chiến trường, xung phong tòng quân đánh giặc khiến các du khách không khỏi xúc động.
Nắm chặt tay mẹ chăm chú theo dõi câu chuyện, đến khi chị gái được bà nội đồng ý cho đi tòng quân, em Cao An Nguyên (học sinh lớp 7, đến từ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã rơi nước mắt: “Con rất bất ngờ vì sự dũng cảm của các anh, chị. Con thấy mình may mắn vì được sinh ra trong hòa bình, được đến trường cùng các bạn. Con biết đây là điều mà rất rất nhiều người đã hy sinh để chúng con có được”.
Cùng vợ đưa con đến xem đêm diễn, anh Hoàng Văn Khánh (sinh năm 1992, ngụ quận 8, TPHCM) chỉ cho con trai lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giải thích cho con về ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Lá cờ được đặt trang trọng tại nơi thanh niên đăng ký tòng quân, tô thắm thêm lòng yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
“Mọi thứ từ âm thanh, ánh sáng, diễn viên đều chuyên nghiệp và hết sức tự nhiên, chân thật. Tôi chỉ cho con cái nan tre, cối xay gạo thật, đồng lúa, cuốc, xẻng..., con tôi rất chăm chú lắng nghe. Đây cũng là một cách dạy lịch sử cho các con cực kỳ sinh động”, anh Khánh nêu ý kiến.
Tái hiện những giọng hò, câu hát của bà con đang cấy lúa, đan lát, giã gạo... cũng khiến du khách hiểu thêm về sự lạc quan, hăng hái tham gia phong trào cách mạng của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng giai đoạn 1961-1964. Đây cũng là giai đoạn sau Đồng Khởi 1960, Mỹ ngụy tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đánh phá rất ác liệt. “Hò ơ... cày cấy đồng sâu cho lúa mau tươi tốt, để mốt mai này trữ gạo nuôi quân, đánh cho quân giặc chạy dài, làng quê giải phóng ta sống đời tự do”, tiếng hò ngọt ngào của những chàng trai, cô gái trong hoạt cảnh cấy lúa dưới ánh trăng đêm khiến nhiều du khách thích thú.
Xúc động, tự hào là cảm xúc chung của các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre khi có chuyến về nguồn tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi trong dịp lễ này. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, chia sẻ, đến với huyện Củ Chi, ngoài hoạt động trải nghiệm, hội còn khuyến khích hội viên đưa theo con em để giáo dục truyền thống cách mạng.
“Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm đi du lịch vào ban đêm và đã có những cảm xúc hết sức chân thật. Cả đoàn cũng quên hết mệt mỏi mà hòa mình vào các hoạt cảnh của đêm diễn”, chị Thoa bày tỏ.
Giữ gìn truyền thống yêu nước
Chương trình tham quan kéo dài hơn 2 tiếng, lấy ánh trăng làm chủ đạo, đưa du khách quay trở lại và hòa nhập vào cuộc sống của làng quê Củ Chi. Giữa cánh rừng già, từng hoạt cảnh chân thật khiến du khách vừa xem, vừa cảm thấy như mình đang sống trong thời kỳ đó.
Dẫn chúng tôi đến sân khấu nghe văn công biểu diễn phục vụ bộ đội, du kích và người dân, ông Trần Minh Tâm, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, cho biết, để có được chương trình như hiện nay (2 đêm diễn mỗi tháng), Đảng ủy, Ban Giám đốc khu di tích đã xin ý kiến của thủ trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM, các đồng chí lão thành cách mạng, các cô chú đã từng sống, chiến đấu tại Củ Chi. Sau thời gian dài ấp ủ, Ban tổ chức đã phối hợp Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang biên soạn kịch bản dưới sự đóng góp của nhiều phía, trải qua nhiều lần diễn thử mới chính thức biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Những nhiệt huyết của Ban tổ chức nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm chân thật nhất về cuộc sống, con người Củ Chi vùng giải phóng đã mang về kết quả tích cực. Hiện nay, nhân các chuyến về nguồn, đặc biệt là dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, những ngày lễ trọng đại của đất nước..., chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, trong đó có nhiều người trẻ, trẻ em.
Chị Nguyễn Phạm Phương Thảo, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5 (TPHCM), chia sẻ, chuyến về nguồn và xem đêm diễn “Trăng chiến khu” giúp chị có thêm ý tưởng về công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ một cách trực quan, sinh động. Đồng thời, là nguồn động lực để có các hoạt động thiết thực chăm lo gia đình có công trên địa bàn quận.
Theo Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, cũng là người đưa ra ý tưởng đêm diễn “Trăng chiến khu”, từ trước đến nay, du khách đến khu di tích đều được xem phim tư liệu, tham quan hệ thống địa đạo, qua đó hiểu được sự ác liệt của chiến tranh tại đây. Tuy nhiên, không phải lúc nào người dân Củ Chi cũng chiến đấu mà họ vẫn sống, sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống diễn ra một cách thanh bình nhưng chưa được phản ánh rõ nét nên từ đó, ý tưởng ra đời. Tháng 3-2024, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi chính thức đưa vào khai thác chương trình đêm diễn.
Hơn 60 năm trước, dưới cánh rừng này, quân và dân ta đã cùng chiến đấu, sinh hoạt sản xuất, góp phần tạo nên những chiến công vang dội. Tinh thần và thông điệp về một đất nước độc lập, tự do vẫn còn vang vọng đến hôm nay, để thế hệ trẻ tiếp nối, giữ gìn.