Trang bị kỹ năng vượt qua áp lực cuộc sống

Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ thanh thiếu niên tự tử do trầm cảm, không đủ bình tĩnh, khôn ngoan và bản lĩnh để đối mặt với áp lực quá lớn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Các phụ huynh và chuyên gia tâm lý đã phân tích, nêu ý kiến về việc ngăn ngừa những sự việc đau lòng và đáng tiếc như vậy.
Giúp người trầm cảm ổn định tâm lý

Rạng sáng ngày 15-3-2018, tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, một nữ sinh viên Đại học Công nghệ thông tin đã nhảy lầu tự tử, rơi từ tầng 8, tử vong. Trước đó, ngày 8-3, một nam sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đã nhảy lầu tự tử tại trường; ngày 4-3 một nữ sinh Đại học Công nghiệp TPHCM cũng đã nhảy lầu tự tử tại trường. Trước khi tự tử, các sinh viên này đều đã có biểu hiện của căn bệnh trầm cảm. 

Trầm cảm là một biểu hiện của chứng rối loạn cảm xúc, người bệnh có tâm lý ngại giao tiếp, mất khả năng thích ứng với xã hội và môi trường xung quanh; có các triệu chứng bị ức chế về cảm xúc, tư duy và hoạt động, luôn trong trạng thái bất an, thậm chí có thể dẫn đến việc muốn tự sát. Thống kê cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm chiếm 6% - 7% dân số nước ta, nhiều học sinh - sinh viên bị trầm cảm, thường gặp nhiều hơn ở nữ giới. Thời gian gần đây, số lượng người bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng. Bệnh trầm cảm không còn là nguy cơ, mà đã là một thực tế đáng chú ý. 

Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều áp lực, do không tìm được tiếng nói chung, không có người để cùng tâm sự, chia sẻ trong công việc và cuộc sống, nên có nhiều người mắc bệnh trầm cảm. Việc phụ thuộc quá nhiều vào smartphone, laptop đã khiến nhiều bạn trẻ thụ động, tự cô lập bản thân với thế giới xung quanh. Có nhiều bạn trẻ được gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng, thế nên luôn phải căng thẳng với áp lực điểm số, bài vở, học thêm, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, vui chơi với bạn bè. Do còn quá trẻ, tâm lý chưa thật vững vàng, các bạn trẻ chưa biết cách tìm ra những giải pháp tốt nhất để thoát chứng trầm cảm. 

Để con mình không bị trầm cảm, cha mẹ cần phải hết sức quan tâm, dành thời gian chăm sóc, tâm sự và hiểu mong muốn, nguyện vọng của con. Việc điều trị chứng rối loạn cảm xúc mất rất nhiều thời gian, không chỉ điều trị bằng thuốc, biện pháp hiệu quả nhất là liệu pháp tâm lý. Chính sự quan tâm của người thân là liều thuốc tốt nhất để người bệnh trầm cảm ổn định tâm lý, hòa nhập với cuộc sống. 

LÊ THÙY NGA 
(Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM)

Rèn kỹ năng sống từ thực tiễn

Những vụ việc học sinh tự tử vì bị cha mẹ mắng, vì bị điểm kém, vì một cú sốc tình cảm, hay vì không chịu nổi dư luận dè bỉu là những câu chuyện đau lòng, gióng lên hồi chuông cảnh báo về khiếm khuyết trong cách giáo dục học sinh ở bậc phổ thông hiện nay. Nhà trường hầu như chỉ chú trọng việc dạy chữ, mà còn hời hợt trong việc dạy các em cách sống, lối sống cũng như các phẩm chất nhân cách khác. Học sinh bây giờ ngoài học ở lớp còn phải chạy đôn chạy đáo học thêm cho cha mẹ vui lòng. Cả gia đình và nhà trường mải miết chạy theo thành tích học tập của con, cho đến khi con gặp phải những vướng mắc tâm lý không biết giải quyết ra sao, thì mọi người mới giật mình nhận ra con mình không có chút kỹ năng gì để xử lý. 

Đã đến lúc nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để trang bị cho học sinh những kỹ năng thiết thực cho cuộc sống, như kỹ năng đi đường một mình an toàn, ứng xử khi bị lạc, khi tiếp xúc với người lạ, khi ở nhà một mình, khi bản thân gặp sự cố, nhận diện tình cảnh nguy hiểm… Tất nhiên, kỹ năng phải được hình thành trong hoạt động thực tiễn, được huấn luyện, được phân tích và rút kinh nghiệm. Không ít nhà trường cũng đang dạy kỹ năng cho học sinh, nhưng căn bệnh trầm kha của giáo dục ở nhà trường phổ thông là dù dạy kỹ năng nhưng vẫn rất nặng về lý thuyết, mà xa rời thực tiễn. Khá nhiều học sinh sau khi học kỹ năng sống ở trường đều cứ nghĩ rằng những tình huống đó giống như trò chơi, chứ không liên quan gì đến cuộc sống thực tại của các em. Vì thế, khi bất ngờ đối mặt với sự cố, các em thực sự lúng túng, hoang mang, không biết ứng xử ra sao để giữ an toàn cho bản thân, thậm chí có những trường hợp nông nổi tự tử. 

Các nhà giáo dục và những ai quan tâm đến sự phát triển của thế hệ trẻ hãy để quá trình giáo dục của nhà trường trở lại đúng bản chất của nó - đó là quá trình tổ chức cuộc sống và các hoạt động giao lưu cho học sinh. Đừng quá đề cao việc học kiến thức chỉ vì mục đích ứng thí, suốt ngày chỉ đua nhau chạy theo việc thi cử. Để thế hệ trẻ thật sự được sống đúng nghĩa, cần giúp cho các em có được những hành trang làm người và kỹ năng vượt qua những áp lực để tự tin bước vào cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục