Trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, sắp tới bộ này sẽ ban hành 19 môn học đều có tích hợp để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh là vấn đề được bạn đọc quan tâm, góp ý. 

Áp dụng các mô hình giáo dục ngoài học đường

Việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh cần rất nhiều sự thay đổi trong phương pháp giáo dục và nội dung giảng dạy, cần đi kèm những yếu tố khác về cơ sở vật chất, về phương pháp giáo dục, về triết lý giáo dục.

Việc dạy các kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu nếu chỉ học qua lời nói của giáo viên và học trong lớp học, bởi việc giáo dục kỹ năng đòi hỏi phải có các hoạt động thực hành bên ngoài phòng học, ngoài học đường.

Do đó, bên cạnh việc ban hành các quy định về tích hợp dạy kỹ năng trong các môn học, ngành giáo dục còn cần phải đưa ra các chương trình giáo dục kỹ năng ngoài học đường (Out of school programs), chẳng hạn các hoạt động thể thao, tham gia vào các dự án, thực hiện các chương trình phục vụ cộng đồng.

Một trong những phương pháp giáo dục kỹ năng cho học sinh một cách có hiệu quả là mô hình “Học tập phục vụ cộng đồng” (Service - learning) - là việc đưa học sinh vào cộng đồng và thực hiện những dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hoạt động này sẽ mang lại cho học sinh những trải nghiệm thực tế và hiểu biết sâu sắc về thực tiễn, đồng thời cho các em kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác, kỹ năng hoạch định và thực hiện kế hoạch, kỹ năng giao tiếp.

Trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh ảnh 1 Trẻ cần được rèn luyện kỹ năng để trưởng thành
 Ảnh: THU HƯỜNG
Để có thể áp dụng các mô hình giáo dục ngoài học đường hay mô hình học tập phục vụ cộng đồng, điều cần thiết là phải thiết kế lại nội dung giảng dạy theo hướng giảm tải các nội dung khoa học mang tính hàn lâm, để từ đó có thời gian cho các trường thực hiện các chương trình giáo dục ngoài học đường.

Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định về sự hợp tác của cộng đồng, của các định chế ngoài học đường trong việc giáo dục các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh.Đồng thời cũng phải có những quy định về việc dành kinh phí cho các hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, bởi nếu không có kinh phí thì nhà trường chỉ có thể làm điều này bằng những phương pháp đơn điệu như thao giảng trong lớp học mà thôi. Và nếu chỉ như vậy thì thật khó đạt được mục tiêu giáo dục kỹ năng cho học sinh như mong đợi.

                                             LÊ MINH TIẾN (giảng viên Đại học Mở TPHCM)

Chú trọng dạy trẻ kỹ năng giao tiếp

Nhiều người hay phê bình trẻ bây giờ thiếu kỹ năng sống. Điều đó đúng, nhưng xem ra trách nhiệm phần lớn thuộc về cha mẹ, chứ không thể đổ cho nhà trường.

Chẳng hạn, trong số các kỹ năng sống có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nhưng cha mẹ ít cho con tiếp xúc với người khác thì làm thế nào rèn và phát huy các kỹ năng này; đã thế, bản thân cha mẹ cũng không tự hoàn thiện kỹ năng này thì lấy gì làm gương và dạy cho con.

Không chỉ vậy, chỉ việc biết tên, biết thưa gửi những người tưởng như không liên quan gì đến việc học của trẻ là bảo vệ, bảo mẫu, lao công, thủ thư… cũng là một hình thức biết quan tâm đến người khác.

Điều đó thực sự không chỉ có ích cho trẻ, mà còn cho cha mẹ, bởi thiết lập được mối quan hệ này thì trong một số trường hợp có thể tạo thông tin 2 chiều giữa những người không phải là giáo viên với gia đình về một số biểu hiện như thói quen, tính nết của trẻ.

Đồng thời, quá trình giao tiếp cũng bồi bổ thêm vốn sống, kinh nghiệm ứng xử, kiến thức cho trẻ một cách tích cực. Sự liên hệ đó tránh cho trẻ tự “thu mình” hay sống khép kín.

Dĩ nhiên, nhà trường nên chú ý chọn những người làm các công việc dù không liên quan đến giảng dạy cũng phải có lòng yêu trẻ, thích trò chuyện và có kỹ năng trò chuyện với trẻ. Bản thân cha mẹ cũng nên tự rèn cách ứng xử, thái độ giao tiếp với những người sống xung quanh mình.

Đó là cách để làm gương cho trẻ về bài học quan tâm đến người khác. Bởi có quan tâm đến mọi người thì mọi người mới quan tâm đến mình.

Cần chú ý dạy cho trẻ thưa gửi, lễ phép với người lớn, lịch sự, thân ái với người ngang bằng hoặc nhỏ hơn. Cần dạy trẻ khi thưa gửi với người lớn phải thể hiện rõ sự tôn trọng; với người ngang hàng hoặc nhỏ hơn cũng không được sỗ sàng, vô phép. Việc xưng hô phải đúng mực.

Phải cho trẻ biết rằng lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng, không chỉ trong giao tiếp mà còn trong nhiều hoạt động khác. Lắng nghe tốt là một trong những tiền đề quan trọng để có thể trả lời tốt. Khi trả lời, cần diễn đạt rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn, đúng vào trọng tâm của câu hỏi hoặc câu chuyện đang quan tâm.

Trẻ cũng cần được làm quen cách trả lời sao cho thuyết phục, hấp dẫn bằng nụ cười, bằng ngôn ngữ cơ thể, bằng lối nói dí dỏm, ý nhị… Một số kỹ năng khác, như khi cần thiết phải hỏi lại thì hỏi vào lúc nào, cách hỏi như thế nào, cách kết thúc câu chuyện sao cho lịch sự khi muốn từ chối một cuộc giao tiếp…

Để rèn được các kỹ năng này, cha mẹ và giáo viên nên chú ý làm gương, đồng thời quan sát cách trẻ giao tiếp để phát huy cái hay và khắc phục mặt hạn chế. Phải kiên trì, liên tục và thường xuyên thì kỹ năng giao tiếp của trẻ mới tiến bộ!

                                                                        TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục