Học tập Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh

Trần Văn Giàu với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh

Giáo sư Trần Văn Giàu đưa ra những bước ngoặt quan trọng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để rồi kết luận: Ở những khúc quanh, bước ngoặt của lịch sử mới rõ những bậc kỳ tài...
Kể từ Đại hội VII của Đảng năm 1991, Đảng ta chính thức đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào Cương lĩnh Chính trị của Đảng (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam năm 1991). Đảng ta chính thức đánh giá về tầm quan trọng đặc biệt của tư tưởng Hồ Chí Minh và xem đây là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một bộ phận tách rời mà là một hệ thống các quan điểm lý luận, phản ánh những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam. 
1. Lịch sử đã từng ghi nhận, có những người đã nghiên cứu, đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tư tưởng Hồ Chí Minh rất sớm, rất khoa học, rất hệ thống, đó là các học giả Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu. Khác với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những học trò gần gũi, thân thiết và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu không có nhiều điều kiện gần gũi Bác, song bằng tài năng lỗi lạc và phẩm cách đặc biệt, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hệ thống và có những kiến giải sâu sắc rất đáng để chúng ta cùng xem xét, tìm đọc lại và học tập, làm theo trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Giáo sư Trần Văn Giàu là người tiếp thu tư tưởng Nguyễn Ái Quốc không phải bằng cách tiếp xúc trực tiếp, bởi năm 1933, Nguyễn Ái Quốc bị thực dân cầm tù ở Hồng Công và sau đó sang Liên Xô thì cũng thời gian này, Trần Văn Giàu đã bị trục xuất khỏi nước Pháp về Việt Nam bởi là “phần tử nguy hiểm cho nước Pháp”. Khi Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc những năm cuối thập kỷ 30 thế kỷ XX thì Trần Văn Giàu đang ở trong Khám lớn Sài Gòn. Trong tù, ông đã đọc một bài báo có tên gọi là Line (một bút danh của Nguyễn Ái Quốc). 
Tháng 7-1945, những nhà cách mạng ở Nam bộ phái người ra Bắc đem chương trình của Việt Minh về, lúc ấy, Trần Văn Giàu mới biết đến Việt Minh và sau đó nhận được giấy mời tham gia Hội nghị Tân Trào. Các ông Hà Huy Giáp và Ung Văn Khiêm là 2 đại biểu đại diện đi ra Bắc. Sau khi đoàn đại biểu dự Hội nghị Tân Trào trở về, từ thông báo của Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu mới biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, bởi trước đó ông vẫn nghĩ rằng Nguyễn Ái Quốc đã mất hoặc chưa về Việt Nam.
Cuối năm 1945, Trần Văn Giàu ở chiến trường Sài Gòn ra Bắc và được Bác Hồ mời ở lại dùng cơm. Về kỷ niệm này, sau này Giáo sư có kể lại cho tác giả Chiến Dũng ghi lại với tựa đề Hai chuyện Cụ Hồ “chỉnh” tôi đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 3-2-2007, mở đầu đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo kế hoạch của Thành ủy TPHCM.
Trần Văn Giàu với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh ảnh 1 Niềm vui của đồng chí Trần Văn Giàu đón nhận huy hiệu 80 năm tuổi đảng. Ảnh: VIỆT DŨNG
2. Kể từ năm 1951, giáo sư đã chuyển sang công tác bên ngành giáo dục. Cũng từ đây, ông có nhiều điều kiện để nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo sư cho biết ông chú trọng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh bởi trước đó chưa có nhiều điều kiện và đặc biệt là tài liệu khó khăn.
Cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh của Giáo sư Trần Văn Giàu thật đầy đủ, chi tiết và lô gích. Giáo sư Trần Văn Giàu đã phác họa nên chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những đánh giá, nhận xét của các ký giả, chính khách, văn nhân nước ngoài, các nhà văn, nhà thơ trong nước.
Giáo sư Trần Văn Giàu cũng là người đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với những khúc quanh của lịch sử hiện đại Việt Nam, để rồi đi đến nhận định Nguyễn Ái Quốc đã chọn con đường “không phải chủ nghĩa quốc gia cải lương tư sản, không chủ nghĩa quốc gia cách mạng tiểu tư sản, mà chủ nghĩa Mác-Lênin - tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1920 là một bước ngoặt lịch sử bước thứ nhất” (1).
Đây chính là sự kiện năm 1920, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp diễn ra tại thành phố Tua (Pháp), Nguyễn Ái Quốc khi ấy tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và được mời phát biểu. Chính tại đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta. Đây là bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đời cách mạng của Người, bởi từ quyết định này, Người đã chuyển hẳn từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản. Năm 1960, nhắc lại sự kiện này, Người đã viết “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa” (2).
Bước ngoặt lớn thứ hai của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, theo Giáo sư Trần Văn Giàu, đó là sự kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930: “3-2-1930 được gọi là bước ngoặt lớn thứ hai của lịch sử hiện đại nước Việt Nam; ở đó vai trò cá nhân của Nguyễn Ái Quốc là quyết định” (3).
Bước ngoặt thứ ba là sự kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, bởi “cách mạng sẽ thành công dưới cờ hiệu Việt Minh, điều đó chứng tỏ rằng Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, sự thành lập Mặt trận Việt Minh đúng là một bước ngoặt lịch sử” (4).
Bước ngoặt quan trọng nhất, quyết định nhất trong lịch sử Việt Nam gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh, theo Giáo sư Trần Văn Giàu, chính là quyết định thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Theo Giáo sư, chỉ cần khởi nghĩa diễn ra trước đó đúng một tuần thì 100.000 quân Nhật lúc đó ở Hà Nội sẽ tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa. Nếu chần chừ vài tuần thì quân Đồng minh vào đến Hà Nội.
Bước ngoặt vĩ đại thứ năm của Bác Hồ chính là đã ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và tạm ước 14-9-1946, dẫn đến sự thảm bại của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và quyết tâm trong đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cực kỳ dũng cảm, hợp lòng dân với chiều hướng lịch sử nhân loại. 
Giáo sư Trần Văn Giàu đưa ra những bước ngoặt quan trọng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để rồi kết luận: “Ở những khúc quanh, bước ngoặt của lịch sử mới rõ những bậc kỳ tài. Hồ Chí Minh quả là phượng hoàng của dãy Trường Sơn, như lời của Phạm Văn Đồng” (5).
Giáo sư Trần Văn Giàu có lẽ cũng là một trong những người đã khái quát khá đầy đủ nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Giáo sư, nhân cách Hồ Chí Minh chính là phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác Hồ mà nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới ca ngợi nhất, đó là: Ưu tiên đạo đức, tận tụy quên mình, kiên trì bất khuất, khiêm tốn giản dị, hài hòa kết hợp, thương người, quý người, nâng đỡ con người.
3. Về sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu đã đi vào phân tích tất cả những yếu tố từ gia đình, quê hương, học vấn đến những yếu tố tư tưởng được Hồ Chí Minh tiếp thu ở nước ngoài trước khi gặp chủ nghĩa Lênin và cả sau này.
Giáo sư cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh gồm 2 vấn đề cơ bản là tư tưởng triết học và tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh. Về triết học, Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như không đặt ra vấn đề duy tâm hay duy vật. Vấn đề chính mà Bác Hồ quan tâm là con người và sự giải phóng con người. Tất cả tâm tư, trí tuệ của Người đã cuốn hút vào vấn đề con người và sự giải phóng con người.
Còn tư tưởng chính trị, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng chính trị lớn nhất là vấn đề giải phóng các dân tộc bị áp bức, về cuộc cách mạng ở các thuộc địa, sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc và là sức mạnh để đoàn kết các dân tộc bị áp bức trong lý tưởng chung. “Người ta sẽ thấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không có những sách, những bài trường thiên đại luận phê bình học thuyết này, tán dương lý luận kia, tổng kết kinh nghiệm một cách dài dòng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang đặc điểm về hình thức là nó được nói lên, viết ra một cách đơn giản, ngắn gọn, ai cũng có thể hiểu, hiểu rồi làm theo được” (6).
Giáo sư Trần Văn Giàu kết luận rằng: “Ta đã đi từ Hồ Chí Minh thì ta phải tiếp tục trở lại và đi sâu hơn nữa vào tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, không còn cách nào khác” (7).
Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta phát động và đã trở thành phong trào rộng lớn của xã hội, chính là “đang trở về với Hồ Chí Minh”. Và những nhắc nhở, căn dặn của Giáo sư Trần Văn Giàu về vấn đề này vẫn mang tính thời sự nóng hổi.
------------
(1) GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại, NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2014, tr. 21
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 10, tr.241
(3) GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại, NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2014, tr. 24
(4) GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại, NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2014, tr. 25
(5) GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại, NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2014, tr. 31
(6) GS Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại, NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2014, tr. 178
(7) Nguyễn Phan Quan: Giáo sư Trần Văn Giàu - Nghe thầy kể chuyện, NXB Tổng hợp TPHCM, năm 2011, tr. 69

Tin cùng chuyên mục