Nhiều ý kiến, gợi mở đầy tâm huyết, góp ý, phản biện có tính thực tiễn đa dạng, cụ thể mà tựu trung là tìm lời giải cho lộ trình tiến tới “sống chung với virus”, từng bước mở cửa, xác lập trạng thái xã hội bình thường mới.
Đây không phải là lần đầu tiên và hẳn cũng chẳng phải là lần cuối cùng lãnh đạo TP tỏ rõ tinh thần sẵn sàng tiếp kiến và tham vấn các chuyên gia. Còn nhớ, trưa 10-7, tại phòng họp của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, giữa cơn bùng phát dữ dội của biến chủng Delta và phải liên tục đưa ra các quyết định áp dụng chỉ thị giãn cách tăng cường, chuẩn bị áp dụng chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt, Bí thư Thành ủy TPHCM đã ngồi lại cùng 9 chuyên gia dịch tễ, bác sĩ đầu ngành cấp cứu… để lắng nghe thêm, ngoài “phác đồ” chống dịch của Bộ Y tế thì còn những cách thức nào phù hợp và hiệu quả hơn nữa đối với đặc thù “cơ địa” TP.
Việc chọn “làm khách” tại một cơ sở nghiên cứu, cách chủ động sau khi tiếp cận, khảo sát thực tế, ngồi lại để lắng nghe, nhất là những ý kiến góp ý, phản biện về phương thức chống dịch của TP để nhanh chóng có giải pháp điều chỉnh, thay thế, là một thái độ cầu thị - hợp tác hết sức nghiêm túc, như lời người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đã nói tại cuộc gặp các chuyên gia vào ngày 10-7: “Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước… Tôi mong các chuyên gia, nhà khoa học bất cứ lúc nào nếu thấy có vấn đề gì về chống dịch chưa phù hợp hãy nhắn tin cho tôi, tôi sẽ xem xét và kịp thời giải quyết. Phải đáp ứng sự kỳ vọng của dân, phải đưa ra giải pháp có lợi cho dân là điều tôi luôn suy nghĩ”.
Đã có nhiều sự điều chỉnh, khắc phục mang tính khoa học, hợp lý hơn trong thực tế sau các buổi gặp gỡ như vậy. Chẳng hạn, cách thức tổ chức xét nghiệm, phối hợp giữa lấy mẫu, trả kết quả hay điều phối cách ly - điều trị cũng được rà soát, tổ chức lại hiệu quả hơn. Hay việc thay đổi đưa “bảo vệ sinh mạng” lên làm ưu tiên hàng đầu, tập trung tiêm vaccine Covid-19 cho những người trên 65 tuổi, có bệnh nền. Một thay đổi tư duy khác là hình thành và thúc đẩy mô hình điều trị F0 tại nhà, tại cơ sở; với những bước đầu thí điểm, sau đó là mở rộng bằng một hệ thống y tế cơ sở và thuốc men đến từng hộ gia đình.
Rõ ràng, ứng phó với một kỳ đại dịch toàn cầu, Chính phủ và lãnh đạo chính quyền địa phương rất cần những tiếng nói tham vấn và mang tính quyết định của những chuyên gia dịch tễ và đội ngũ y tế hàng đầu. Đồng thời, với tư cách là những nhà quản trị và điều hành guồng máy xã hội, những nhà lãnh đạo cũng phải đặt để “cơn cuồng phong” virus truyền nhiễm này trong sự tác động đến mọi mặt của đời sống, không chỉ là trách nhiệm sống còn của ngành y tế mà còn là giao thông, thị trường hàng hóa, an ninh và an sinh xã hội. Sự tác động không chỉ mang tính dự báo trước khi dịch bệnh tấn công mà còn cả những hệ lụy khủng khiếp ập đến, tàn phá cả trên diện rộng lẫn chiều sâu trong và sau một kỳ đại dịch.
Do đó, tìm đến đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học để lắng nghe, để chọn lọc và đưa ra những đối sách phù hợp, bám sát thực tiễn; đồng thời đặt cái lõi chống dịch trên hai phương diện: an toàn sức khỏe và an sinh xã hội để huy động mọi nguồn lực, vừa có tính chuyên biệt vừa đạt được sức mạnh phổ quát - tổng hợp để đáp ứng từng giai đoạn của đường đi dịch bệnh.
TPHCM đã trải qua từng giai đoạn diễn biến dịch bệnh cực kỳ phức tạp. Những chỉ số ngày một khả quan hơn, trong đó số lượng bệnh nhân nặng, tử vong đang giảm từng ngày và tỷ lệ phủ vaccine đang tăng cao. Qua 4 tháng diễn biến, với liên tiếp những chuyến thực địa và tiếp nhận nguồn thông tin khoa học dịch tễ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một bước ngoặt trong tư duy chống dịch, là “chuyển trạng thái” đối đầu - xóa bỏ sang phải sống chung với dịch bệnh. Và đây chính là cơ sở quan trọng để lãnh đạo TPHCM, trong các cuộc tham vấn tìm ra giải pháp và lộ trình từng bước chuẩn bị cho việc trở về trạng thái bình thường mới.
Tất nhiên, như lãnh đạo TP đã nhiều lần xác định, chậm mà chắc, chỉ thực sự mở cửa khi các mối hiểm họa, rủi ro cao đã được “đóng” trong tầm kiểm soát chặt chẽ. Nhưng, một khi độc lực biến đổi của con virus cúm đã lan rộng đến “ngưỡng” này trong cộng đồng cùng với năng lực ứng phó của bộ máy y tế, khả năng chống chịu của toàn xã hội thì các tiêu chí để đánh giá mức độ kiểm soát dịch cũng cần phải linh hoạt để phù hợp thực tế hơn. Sau cùng, “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; bám sát tình hình, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài” - yêu cầu của Bộ Chính trị tại cuộc họp với Ban cán sự Đảng Chính phủ ngày 17-9, là mục tiêu cao nhất.