Rộn ràng có lẽ là âm hưởng chung mà tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con mang lại. Sự rộn ràng ấy ẩn hiện sau những con chữ, bất kể đó là niềm vui, hạnh phúc hay lo âu. Điều đó âu cũng là dễ hiểu khi người ta nhận được món quà đặc biệt từ tạo hóa. Có con đầu lòng đồng nghĩa với mọi khoảnh khắc trôi qua đều là lần đầu tiên.
Đi qua từng trang sách của Từng ngày ba mẹ thở theo con, cả tác giả lẫn người đọc vô hình trung đang cùng nhau khám phá rất nhiều “lần đầu tiên” đó: lần đầu tiên thức khuya dậy sớm trông con, lần đầu tiên lo âu thắt lòng khi con ốm, lần đầu tiên mơ ước xa xôi với nhân vật chính chẳng phải bản thân mà là con gái bé bỏng... Tất cả mọi tình huống gần gũi mà đặc biệt ấy được nhà thơ Lê Minh Quốc ghi lại tỉ mỉ thành những câu chuyện đan xen các vần thơ hóm hỉnh, bất ngờ và tràn đầy cảm xúc. Hẳn người đọc sẽ không thể không rưng rưng khi bắt gặp nỗi khắc khoải của người cha ngày con đi mẫu giáo: “Như mọi buổi sáng, anh thức dậy sớm, chỉnh tề quần áo chuẩn bị dẫn con đến trường mầm non. Có lúc bé nhóc tung tăng bước theo, nhưng có khi anh phải ẵm bồng. Ừ, trên đời đã làm biết bao nhiêu việc nhưng việc này vẫn là lúc anh toàn tâm toàn ý nhất. Hoàn toàn tự nguyện. Niềm vui đầu đời của một kiếp nhân sinh. Dẫn con đến trường, phụ huynh nào cũng chan chứa yêu thương. Có cả âu lo nữa” (Lần đầu dẫn con đi mẫu giáo).
Lo âu là vì bấy lâu nay con chỉ quanh quẩn bên chân, tiếng nói chưa rành, bước đi chưa vững, cơm ăn còn phải đút, còn phải hò hét, năn nỉ chán chê. Ngay cả lúc ngủ cũng phải có ba mẹ vỗ về nằm cạnh. Ấy thế mà giờ đây, con đã đến tuổi đến trường, cũng là lúc một mình bước vào thế giới mới, xa tầm tay bảo bọc, xa tầm mắt quan sát của ba mẹ.
Và, vốn dĩ có con ở tuổi “lục thập” nên đằng sau niềm hạnh phúc lớn lao, người đọc bắt gặp đâu đó thoáng lo âu. “Con hãy là con. Đừng nghĩ về ba. Khi con mười tám chững chạc vào đời, lúc ấy ba đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, liệu thân xác mỏi mòn ấy còn có ích gì cho con nếu con ỷ lại, dựa dẫm?” (Nói với con gái ngày con tròn một tuổi). Hay “Hỡi ôi, khi con biết mặc áo dài ra dáng thiếu nữ, hẳn lúc ấy anh cũng đã già rồi. Anh có còn đủ sức vỗ tay hòa nhịp theo tiếng hát của con” (Xin cho em một chiếc áo dài).
20 bài viết trong Từng ngày ba mẹ thở theo con được chia thành 3 chương: Khi mỗi nhà thêm mầm sống sinh ra, Từng ngày ba mẹ thở theo con và Rợp xanh bóng mát vuông tròn sắc xuân, được tác giả thể hiện bằng giọng điệu hóm hỉnh, tươi vui và đặc biệt là tràn đầy cảm xúc. Đọc để thấy trân quý hơn những khoảnh khắc bên con; để thấy rằng, việc làm cha mẹ, nhất là lần đầu tiên dẫu có nhiều khó khăn nhưng niềm hạnh phúc nhận được cũng không phải ít.