Tiếng nói lạc lõng
Mấy ngày qua, phát ngôn của N.H.A., từng là diễn viên, đã làm sục sôi cộng đồng mạng. Người này lên tiếng chối bỏ tên khai sinh của mình, chối bỏ quê hương, nguồn cội ngay khi nhận quốc tịch nước ngoài. Phát ngôn trên được đăng tải giữa lúc cả nước đang hướng về, chung tay góp sức cùng đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Kể từ khi bão số 3 tàn phá nhiều tỉnh miền Bắc, tiếp đó là lũ lụt gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản, đồng bào cả nước cùng hướng về miền Bắc với vô vàn việc làm, hành động thiết thực. Những căn bếp đỏ lửa thâu đêm nấu bánh chưng, bánh tét, kho cá, thổi xôi. Những gói hàng được sắp xếp, tính toán tỉ mỉ đảm bảo đủ chất cho bà con chống lũ. Những chuyến xe ngày đêm chở hàng hóa nối dài từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam hướng thẳng về đồng bào vùng tâm lũ.
Đó còn là những bữa cơm 0 đồng của các quán ăn dọc đường, những chai nước mát lạnh chuyền tay các bác tài của đoàn xe cứu trợ và đội tình nguyện đã tiếp sức về mặt tinh thần để họ đi đến nơi nhanh nhất, an toàn nhất nhằm kịp thời hỗ trợ bà con. Quỹ cứu trợ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được mở, tính đến 17 giờ ngày 24-9, đã tiếp nhận 1.739 tỷ đồng của người dân mọi miền đất nước và đồng bào ở nước ngoài chung tay quyên góp. Đây cũng là những hình ảnh, câu chuyện quen thuộc khi TPHCM thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
Giữa lúc cả nước đang phát huy cao tình dân tộc, nghĩa đồng bào, những phát ngôn lạc lõng của N.H.A. đã ngay lập tức nhận vô vàn phản ứng gay gắt. Thật đáng buồn khi một người được sinh ra và lớn lên, trưởng thành trên mảnh đất quê hương; được người dân ủng hộ khi xây dựng sự nghiệp, trở thành người của công chúng, vậy mà khi ra nước ngoài sinh sống, lại chối bỏ ngay nơi mình chôn nhau cắt rốn.
Trái ngược với điều này, nhiều năm qua, khi mạng xã hội bùng nổ, chúng ta thấy có không ít người nước ngoài gốc Việt đã kết nối để tìm về nguồn cội. Họ là những con nuôi nơi đất khách, khi trưởng thành luôn đau đáu một niềm mong ước tìm về với cội nguồn, về nơi mình đã sinh ra. Không lớn lên trong nước nhưng họ luôn trân trọng nơi đây vì đã dung dưỡng người thân của họ, nơi họ đã cất tiếng khóc chào đời…
Luôn tự hào là người Việt Nam
Có dịp tham gia vài chuyến công tác, được gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi thấy ở họ luôn đau đáu hướng về quê hương đất nước bằng những đóng góp thiết thực. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi đất khách nhưng vẫn nói rành rẽ tiếng Việt. Những lớp học tiếng Việt được mở ra, duy trì hàng chục năm để các thế hệ người Việt ở nước ngoài luôn biết và trân trọng tiếng mẹ đẻ.
Chẳng hạn như Tổ chức Ngôn ngữ, văn hóa và hợp tác Việt Nam tại Phần Lan (BiziVietNam) dạy tiếng Việt và giúp trẻ em gốc Việt khám phá văn hóa Việt Nam; lớp tiếng Việt tại Bỉ; lớp dạy tiếng Việt cho trẻ tại TP Teplice (Cộng hòa Czech); lớp tiếng Việt yêu thương tại Hàn Quốc nhằm giúp con em các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn học tiếng mẹ đẻ và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước… Thậm chí, ở Ba Lan còn có hẳn một ngôi trường mang tên Trường Lạc Long Quân để dạy tiếng Việt cho con em kiều bào gốc Việt và người Việt đang làm ăn sinh sống ở Ba Lan không quên ngôn ngữ của quê hương.
Theo ông Phan Quốc Thiều, giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Đại học Quốc gia TPHCM), những người Việt Nam trước đây đã đi khắp nơi trên thế giới để học hỏi cái hay, cái đẹp, điều tốt lành rồi mang về giúp nước nhà, góp phần vào sự nghiệp đánh đổ nô lệ và thực dân, mang lại độc lập cho dân tộc. Họ có thể nhận được mức lương cao nhưng vẫn chấp nhận trở về quê hương mà không hề chê bai. Thay vì chê bai hay thể hiện sự tự mãn, họ mang theo niềm tự hào và tinh thần học hỏi để phục vụ quê hương, đất nước.
Có người từng nói, lòng biết ơn đánh dấu sự trưởng thành của một con người. Nếu không biết ơn, không có những hành động thiết thực thì với nhiều trường hợp, im lặng cũng đã là tử tế với nguồn cội. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đại diện cho văn hóa và con người Việt Nam, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.
Ông DƯƠNG NGỌC TÚ, Phó Chủ tịch Tổ chức Ngôn ngữ, văn hóa và hợp tác Việt Nam tại Phần Lan (BiziVietNam): Luôn giữ sợi dây kết nối với Việt Nam qua ngôn ngữ
Có hơn 20 năm học tập và làm việc tại Phần Lan nhưng hai tiếng “quê hương” luôn làm chúng tôi xúc động và tự hào. Bởi vậy, chúng tôi tìm nhiều cách để gìn giữ nền văn hóa nguồn cội trong cộng đồng người Việt. Năm 2020, chúng tôi đã thành lập BiziVietNam, một tổ chức phi lợi nhuận, hướng tới văn hóa ngôn ngữ, chủ yếu dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em với mục tiêu gìn giữ văn hóa thông qua tiếng Việt.
Chúng tôi luôn mong muốn mỗi trẻ em gốc Việt khi sinh ra và lớn lên, dù không mang quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn luôn nhớ về nguồn cội, biết ơn quê hương - nơi ông bà, cha mẹ đã sinh ra và lớn lên. Chúng tôi nhận ra rằng ngôn ngữ là sợi dây kết nối để các em hiểu hơn về đất nước Việt Nam, về nền văn hóa ngàn năm văn hiến, về những truyền thống hào hiệp, nghĩa tình đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người mang dòng máu con Lạc cháu Hồng, từ đó tạo sự gắn kết sâu sắc với bản sắc dân tộc.
Ngoài dạy tiếng Việt, các em còn được khám phá văn hóa Việt Nam qua các món ăn, qua nếp văn hóa tình làng nghĩa xóm, trò chơi dân gian vào những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc…