Được thành lập từ năm 1949, Hội đồng Hòa bình thế giới và Việt Nam có mối quan hệ lịch sử đặc biệt. Hơn 7 thập kỷ qua, trải qua 21 kỳ đại hội, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn đồng hành, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử.
Về phía Việt Nam, với vai trò thành viên sáng lập, chúng ta đã luôn chủ động tham gia và tổ chức nhiều hoạt động quan trọng ủng hộ cho phong trào hòa bình thế giới nói chung và các hoạt động của Hội đồng Hòa bình thế giới nói riêng, được hội đồng và các thành viên đánh giá cao. Việt Nam luôn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng hòa bình, công lý, chính nghĩa và lẽ phải, của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần đoàn kết đó luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong mặt trận đoàn kết quốc tế nói chung và trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam nói riêng.
Sự tham gia ngày càng mạnh mẽ hơn của Việt Nam trên bình diện rộng chính là thể hiện sự trân trọng giá trị của hòa bình, để đóng góp hơn nữa vào việc gìn giữ hòa bình bền vững toàn cầu. Tại nhiều diễn đàn đa phương, chúng ta luôn khẳng định Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Không dừng lại ở đó, chúng ta biến cam kết thành hành động khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cử quân nhân đến những quốc gia nghèo nhất thế giới vì xung đột vũ trang, như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei để chung tay với cộng đồng quốc tế tìm kiếm các giải pháp bảo vệ hòa bình. Việt Nam là một trong những minh chứng hùng hồn nhất, một trong những câu chuyện thuyết phục nhất về cách một dân tộc vươn lên mạnh mẽ từ khói lửa chiến tranh, để giờ đây đang có những đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho hòa bình trên thế giới.
Việc đăng cai tổ chức Đại hội Hội đồng Hòa bình thế giới trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, khủng bố, cũng là thông điệp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Sự kiện góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp tới bạn bè quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, các đối tác, trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ… Với những quốc gia đã từng phải chịu đựng đau thương, mất mát, sự tàn phá của chiến tranh, chắc chắn sẽ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình, để luôn khao khát bảo vệ và lan tỏa giá trị ấy. Chỉ khi hiểu rõ, trân quý giá trị của hòa bình thì mới có thể gìn giữ hòa bình thực sự bền lâu.