Thạc sĩ mỹ thuật Y Nhi Ksor

Trăn trở với nguồn cội Tây Nguyên

HÀ LỆ VÂN
Trăn trở với nguồn cội Tây Nguyên

“Là người con của Tây Nguyên, dân tộc Ê-đê, tôi tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương mình và vì vậy trong luận văn tôi đã bày tỏ những nỗi niềm, suy nghĩ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho đồng bào Tây Nguyên, cho sự phát triển văn hóa nói chung và mỹ thuật Tây Nguyên trong cộng đồng Việt Nam”.

Hội đồng chấm luận văn cao học và cử tọa gồm các họa sĩ - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và một số trường nghệ thuật khác đã thực sự xúc động khi nghe anh phát biểu và trình bày bản luận văn của mình. Y Nhi Ksor, 45 tuổi, tốt nghiệp ngành Hội họa Đại học Nghệ thuật Huế năm 1988 về làm giảng viên Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắc Lắc. Là họa sĩ sáng tác, nhưng với trách nhiệm làm giảng viên đào tạo mỹ thuật cho con em các dân tộc ở quê hương mình, anh đã theo học lớp cao học mỹ thuật.

Trăn trở với nguồn cội Tây Nguyên ảnh 1

Tranh sơn dầu “Đi dự hội” của Y Nhi Ksor được đưa vào sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia.

Khác với các ngành khác, bảo vệ thạc sĩ mỹ thuật phải trình hội đồng hai công trình: bản luận văn và tác phẩm mỹ thuật.

Trong số thí sinh tham gia bảo vệ thạc sĩ mỹ thuật vào cuối năm 2004, Y Nhi Ksor đã thu hút sự quan tâm khá đặc biệt, không chỉ vì anh là họa sĩ đầu tiên của dân tộc Ê-đê bảo vệ thạc sĩ mỹ thuật, mà còn ở năng lực nhận thức, những quan niệm về nghệ thuật của anh được anh trình bày một cách thông minh, lưu loát.

Trăn trở với nguồn cội Tây Nguyên ảnh 2

Họa sĩ Y Nhi Ksor

Anh viết về tác phẩm “Đi dự hội”: “...tôi cảm nhận được một cách sâu sắc với thực tại cuộc sống, sự hòa nhập giữa con người với thiên nhiên của người dân Tây Nguyên. Tất cả gợi lên cảm giác bình yên, tĩnh lặng giữa núi đồi mênh mông trong buổi sáng trong lành.

Dường như trên mỗi gương mặt đều sáng lên nỗi khát khao, chờ đón lễ hội đang đến trong niềm vui, phấn chấn hồn nhiên. Trong tranh tôi dùng gam màu đỏ chủ đạo ở phần nền đất, còn màu áo của các nhân vật là màu xanh đen và cuối cùng màu lam tím là phần không gian trời cao rộng mở...”.

Bút pháp dùng màu của anh quán xuyến trên các bức tranh trình bày trong buổi bảo vệ, và anh cũng trả lời câu hỏi của một thành viên trong hội đồng “về một bảng màu mang sắc thái Tây Nguyên”, theo anh, đó là hai màu đỏ và đen làm màu chủ đạo.

Tác phẩm của anh có một số được trao giải, được đưa vào sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Khi được hỏi về suy nghĩ hiện nay trong cuộc sống và trong sáng tác, anh nói rằng: “Tôi đau xót về sự mất mát, do con người gây ra, đối với thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ và đối với thuần phong mỹ tục của dân tộc”.

HÀ LỆ VÂN
 

Tin cùng chuyên mục