Sáng 7-6, Quốc hội tiếp tục chương trình phiên chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ông có 60 phút để tiếp tục giải trình ý kiến các đại biểu (ĐB).
Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang sẽ báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm và việc phối hợp 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 7-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đồng tình với quan điểm của ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) về cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải bao gồm chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Chính sách của Trung ương bao gồm các luật, các văn bản của Trung ương và đây là cơ sở để địa phương xây dựng chính sách cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở địa phương.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng cho biết, đề xuất về phát triển sinh kế dưới tán rừng, Bộ NN-PTNT đã đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng, sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới đây, trong đó có phát triển sinh kế dưới tán rừng.
Đại biểu dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC |
Liên quan nhận định của ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) về một số văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương.
“Tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đồng thời đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội”. Chưa hài lòng với câu trả lời, ĐB Lưu Mai và ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) tiếp tục cho rằng các văn bản hướng dẫn vẫn thiếu và có một số điểm bất hợp lý.
Một ý kiến đáng lưu ý khác của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), liên quan việc nhiều người dân tộc “mù” tiếng nói, chữ viết của chính dân tộc mình, Bộ trưởng cho biết, ông cũng rất trăn trở.
“Đã có nhiều chủ trương và dự án, theo đó, Bộ GD-ĐT cần thiết kế chương trình và đưa vào giảng dạy tại các trường hợp ở vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, còn một điều không kém quan trọng khác là tuyên truyền, vận động để đồng bào tự hào, giữ gìn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá của mình”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết.