Tôi chỉ là một người chạy xe ôm. Trước đây tôi cũng đã trải qua nhiều nghề và bây giờ tôi chọn nghề chạy xe ôm làm kế sinh nhai, bởi lẽ nó giúp tôi chủ động thời gian đưa đón con nhỏ, lo cho cha mẹ già và đỡ đần phần nào công việc nhà để vợ tôi bớt lo lắng mỗi khi tăng ca. Đối với tôi, nghề chạy xe ôm thực sự là trường đời, giúp tôi ngộ ra nhiều điều, tôi nhận ra nghề chạy xe ôm cũng đáng được trân trọng nếu chính người chạy xe ôm biết trân trọng và có tâm với nghề.
5 năm trước đây, nghề chạy xe ôm còn là một nghề dễ sống, vậy mà nay, có những người cả ngày chẳng chạy được một cuốc. Vì sao như vậy? Tôi suy nghĩ và đã tìm ra phần nào câu trả lời. Có những anh chạy xe ôm không chịu khó nhìn qua kính chiếu hậu để thấy khách ngồi sau mình đang nhăn mặt vì mùi mồ hôi, mùi rượu hay làn khói thuốc phả vào mặt họ. Đã vậy, chỉ 3km đi xe ôm, phải trả 30.000 đồng, trong khi đó đi taxi chỉ mất thêm chừng 5.000 đồng nhưng được hưởng dịch vụ tốt hơn nhiều lần.
Xe ôm có những lợi thế mà các phương tiện taxi, xe buýt khó có được, đó là khi kẹt xe có thể luồn lách vào các hẻm nhỏ, nên khách không bị trễ nải công việc. Nhưng đổi lại, khách phải chịu khói bụi, nắng mưa, hay thậm chí là mùi mồ hôi không lấy gì làm dễ chịu của những bác xe ôm.
Khi khách hỏi đi, nhiều người chạy xe ôm không ngần ngại hét giá cao. Có đủ thứ lý do để biện minh như vì xăng tăng giá, hay do trưa nắng nóng quá… Đồng ý là xăng tăng thì giá xe ôm cũng phải tăng nhưng tăng ở mức độ phù hợp, chứ không phải kiểu mạnh ai người nấy tăng. Người chạy xe ôm chỉ có thể có khách và sống được với nghề nếu như không hét giá kiểu chặt chém, biết mức giá nào khách có thể chấp nhận được.
Cũng cần phải nói thêm, mọi người luôn cho rằng xe ôm tự quản là một tổ chức uy tín, có trách nhiệm xã hội, tuy nhiên một lực lượng xe ôm khá lớn đang lợi dụng mô hình này để trục lợi, thậm chí là để tiện cho việc làm cò. Ở nhiều bến xe, cánh xe ôm tự quản tranh thủ hoạt động cò việc làm, cò phòng trọ. Họ tự ra giá chạy xe cho nhóm của mình để chèn ép khách, nếu không chịu giá đó, khách chỉ còn cách đi bộ tới khu vực khác mới đón được xe.
Nhận ra tất cả điều đó nhờ quan sát, tìm hiểu và đặt mình vào vị trí khách hàng, nên tôi nghĩ muốn tồn tại, người chạy xe ôm cũng cần có ý thức tự xây dựng thương hiệu cho mình. Việc cụ thể là ăn mặc sạch sẽ, khi đi chở khách thì trước đó không uống rượu, không vừa chạy xe vừa hút thuốc, luôn giữ xe sạch, nón bảo hiểm được giặt phơi thường xuyên, ra giá cước với mức vừa phải và chạy xe cẩn thận để khách không phàn nàn. Tôi đã thực hiện những “quy tắc” đó và đã có được những mối khách quen chạy cả ngày. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các đồng nghiệp của tôi rằng: Hãy khai thác thế mạnh của xe ôm kết hợp với ý thức nghề nghiệp, sẽ còn sống được với nghề.
NGUYỄN ĐỨC MẠNH
(quận 5, TPHCM)