TPHCM có khoảng 7.000 cán bộ không chuyên trách tại 322 phường, xã, thị trấn (gọi chung là phường). Cán bộ không chuyên trách cấp phường ở một đô thị lớn như TPHCM có khối lượng công việc nhiều, không khác biệt so với cán bộ công chức cùng cấp, nhưng mức được đóng BHXH và hưởng các quyền lợi liên quan lại rất thấp.
Đã bù đắp nhưng vẫn thiệt thòi
Cán bộ không chuyên trách ở phường thường phụ trách kinh tế, giảm nghèo, bình đẳng giới - trẻ em, phó chủ tịch MTTQ phường, phó bí thư đoàn, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ…
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, từ năm 2016, cán bộ không chuyên trách phường chỉ được tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng là 22% mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng), để hưởng 2 chế độ hưu trí, tử tuất.
Do đó, từ năm 2016, cán bộ không chuyên trách phường mặc dù tham gia BHXH bắt buộc nhưng sẽ không được hưởng 3 chế độ ngắn hạn là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Trong thực tế, 3 chế độ này lại là những nhu cầu, quyền lợi sát sườn.
Việc không được hưởng 3 chế độ khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi khi ốm đau và nhất là nữ cán bộ không chuyên trách khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản.
Để bù đắp cho cán bộ không chuyên trách, từ năm 2018 đến nay, TPHCM dùng ngân sách để hỗ trợ 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho đối tượng này, theo Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND của HĐND TPHCM. Đây là sự vận dụng riêng, chính sách hỗ trợ riêng của TPHCM đối với cán bộ không chuyên trách.
Trên địa bàn quận Phú Nhuận, trong hơn 500 cán bộ, công chức, người làm việc tại UBND 15 phường thì có đến một nửa là cán bộ không chuyên trách. Thời gian qua, nhiều trường hợp cán bộ không chuyên trách đã được TPHCM hỗ trợ 3 chế độ mà Luật BHXH không có. Nhiều cán bộ không chuyên trách nữ được hưởng chế độ thai sản với mức hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/trường hợp.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng nhận xét, sự hỗ trợ của TPHCM tạo động lực giúp cán bộ không chuyên trách an tâm công tác, gắn bó với địa phương và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Tại quận Thủ Đức, đội ngũ cán bộ không chuyên trách là 273 người. Nhìn chung, việc hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách trong thời gian nghỉ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đã giúp cán bộ không chuyên trách ở TPHCM bớt vất vả.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh nhận xét, các chế độ vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu thực tế đời sống của cán bộ không chuyên trách do quy định của Luật BHXH về mức đóng BHXH rất thấp so với mức lương hiện hưởng. Ví dụ, cán bộ không chuyên trách hưởng lương theo hệ số 2,34; tuy nhiên, mức tham gia BHXH của cán bộ không chuyên trách mà luật quy định lại chỉ ở mức 1,00 - rất thấp. Do đó, tương ứng, các chế độ hưởng trợ cấp theo mức 1,00 cũng rất thấp.
Đề nghị được tham gia BHXH theo hệ số lương thực lãnh
Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh cho rằng, những người hoạt động không chuyên trách là một bộ phận quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong phục vụ nhân dân, góp phần có hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước. Quy định cán bộ không chuyên trách được tham gia BHXH bắt buộc theo Luật BHXH là phù hợp yêu cầu thực tế, cũng như đáp ứng nguyện vọng của nhiều cán bộ hoạt động không chuyên trách hiện nay, giúp họ yên tâm gắn bó với công việc. Tuy nhiên, đóng BHXH lại chỉ ở mức hệ số 1,00 - thấp hơn nhiều so với hệ số lương được hưởng. Như vậy, chế độ chính sách đối với đối tượng này gây không ít khó khăn trong cuộc sống.
Cũng cần lưu ý, cán bộ không chuyên trách không thuộc chế độ nâng lương theo niên hạn 3 năm một lần (lương chỉ được điều chỉnh khi cả nước điều chỉnh mức lương cơ sở - PV). Vì thế, việc đóng BHXH theo hệ số lương cơ sở cũng ảnh hưởng đến chế độ hưu trí sau này. UBND quận Thủ Đức kiến nghị, TPHCM xem xét và có hướng tháo gỡ về mức tham gia BHXH đối với cán bộ không chuyên trách phường.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cũng cho rằng, mức đóng BHXH đối với cán bộ không chuyên trách phường là quá thấp (lương cơ sở x 22%), dẫn tới mức hưởng các chế độ còn thấp. Do đó, khi nữ cán bộ không chuyên trách phường nghỉ thai sản thì số tiền được hưởng thấp hơn nhiều so với mức lương thực lãnh và có sự chênh lệch khá lớn so với nữ cán bộ công chức. Quận Phú Nhuận đề nghị, cán bộ không chuyên trách phường được tham gia BHXH theo hệ số lương thực lãnh, từ đó, các mức hưởng theo chế độ quy định tương xứng.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cũng đề nghị, căn cứ đóng BHXH cho cán bộ không chuyên trách cần được tính dựa trên mức lương cơ sở nhân hệ số hiện hưởng theo bằng cấp hiện tại.
Việc đóng BHXH cho cán bộ không chuyên trách theo hệ số lương cơ sở sẽ ảnh hưởng ra sao đến chế độ hưu trí sau này - chế độ quan trọng nhất khi tham gia BHXH? Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, phân tích, theo luật, cán bộ không chuyên trách chỉ được đóng BHXH bắt buộc 22% trên nền lương cơ sở 1.490.000 đồng (tức là mỗi tháng đóng BHXH gần 330.000 đồng).
Với mức đóng đó, dù có công tác tối đa hơn 30 năm, lương hưu của cán bộ không chuyên trách được hưởng tối đa 75%, thì tương lai, mức hưởng lương hưu vẫn rất thấp, bởi BHXH thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Để dễ mường tượng, có thể tham khảo, chuẩn nghèo của TPHCM là 28 triệu đồng/người/năm (tương đương 2,3 triệu đồng/người/tháng). Mức đóng BHXH của cán bộ không chuyên trách thấp hơn rất nhiều so với chuẩn nghèo của TPHCM, đương nhiên, mức hưởng lương hưu, cũng tương tự.